Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp thông tin, riêng vụ lúa Đông Xuân 2021-2022, diện tích gieo trồng được 189.264 ha, bằng 99,61% kế hoạch và giảm 6.800 ha so cùng kỳ, sản lượng đạt 1,39 triệu tấn. Do giá nguyên liệu đầu vào tăng như: phân bón tăng từ 64 - 150%, thuốc bảo vệ thực vật tăng từ 40 - 60% so cùng kỳ, chi phí vận chuyển, chi phí thu hoạch,… tăng lên dẫn đến tổng chi phí sản xuất tăng thêm 23 - 50%, giá thành sản xuất tăng bình quân 829 đồng/kg, giá bán bình quân giảm 760 đồng/kg, nên lợi nhuận giảm hơn 10 triệu đồng/ha so cùng kỳ. Giá trị sản xuất ngành hàng lúa gạo ở tỉnh Đồng Tháp 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 6.739 tỷ đồng, giảm 2,5% so cùng kỳ, tương ứng 173 tỷ đồng.
Mặc dù cho năng suất cao, nhưng lợi nhuận lại giảm nên ngành nông nghiệp tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp tái cơ cấu ngành đi vào chiều sâu, nhất là trên cây lúa; nhân rộng các mô hình tiên tiến trong sản xuất và quản lý dịch bệnh nhằm giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chuyển sang phi nông nghiệp.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, trong cơ cấu giá thành sản xuất lúa thì giống chiếm 9%, phân bón chiếm 22%, thuốc bảo vệ thực vật chiếm 16%, công lao động chiếm 28%... Vì vậy, việc nông dân sử dụng quá nhiều các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... đã làm tăng chi phí sản xuất. Chính vì vậy Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp hướng đến sản xuất lúa hữu cơ. Tỉnh Đồng Tháp đang phát triển mạnh lúa hữu cơ ở các huyện Hồng Ngự, Tam Nông, Tháp Mười… thúc đẩy cho bà con nông dân nhân rộng mô hình.
Sản xuất lúa hữu cơ là thay đổi từ sử dụng phân bó hóa học sang phân bón hữu cơ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần làm giảm chi phí sản xuất, ra hạt gạo sạch, giá cao, dễ xuất khẩu, giúp tăng lợi nhuận, tăng giá trị hạt gạo cho nông dân.
Tại Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thọ, huyện Tam Nông sản xuất lúa hữu cơ được 71 ha, được Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ. Theo ông Phan Hoàng Em - Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thọ cho biết, qua 2 vụ thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ, trong vụ lúa Hè Thu 2021 năng suất đạt từ 6,3 - 6,7 tấn/ha; vụ Đông Xuân 2021 - 2022 cho năng suất 8 tấn/ha. Năng suất tăng bình quân 10 - 15% so với phương thức sản xuất bình thường. tạo thương hiệu gạo sạch, an toàn và được tiêu thụ với giá cao.
Tại huyện Hồng Ngự có hộ ông Nguyễn Văn Minh ở xã Long Thuận sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 7.000 m2, sử dụng giống lúa ST 25, năng suất hơn 6,5 tấn/ha, sản xuất lúa hữu cơ của ông Minh được bao tiêu với giá 10.000 đồng/kg. Ông Minh cho biết, chi phí sản xuất lúa hữu cơ giảm từ 25 - 30% so với cách làm truyền thống. Sau khi trừ chi phí, cho lợi nhuận 1.000 m2 là hơn 5 triệu đồng, tăng gấp đôi so với sản xuất theo phương thức bón phân hóa học.
Ngoài biện pháp sử dụng phân hữu cơ bón cho lúa để giảm chi phí, vụ lúa Thu Đông, tỉnh Đồng Tháp sử dụng biện pháp xả lũ hơn 88 ngàn ha, trên 510 ô bao để lấy phù sa. Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, việc xã lũ lấy phú xa cho hơn 80 nghìn ha diện tích sản xuất vụ Thu Đông nhằm mục tiêu khai thác lợi thế về tiềm năng sản xuất lúa, ổn định sản lượng lúa vụ Thu Đông, chủ động phòng chống mưa lũ, tiêu úng, bảo đảm sản xuất an toàn; đồng thời sử dụng giống lúa cấp xác nhận, lúa chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị gia tăng đối với cây lúa. Ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lúa, gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho nông dân.
Trước tình trạng giá vật tư nông nghiệp đang ở mức cao, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã khuyến cáo nông dân giảm lượng phân không cần thiết. Ngoài ra, khuyến cáo nông dân tận dụng các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để làm phân hữu cơ bón cho lúa; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng vật tư nông nghiệp đúng kỹ thuật. Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá vật tư nông nghiệp, phân thuốc kém chất lượng, để phục vụ nhu cầu sản xuất lúa của nông dân trong những vụ tiếp theo.