Trên thị trường Bengaluru (Ấn Độ), lúc 14 giờ 04 phút (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.298,25 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 15/5 là 1.309,30 USD/ounce hôm 14/6. Giá vàng kỳ hạn giao tháng 8/2018 giảm 0,5% xuống 1.301,50 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD, thước đo đánh giá đồng bạc xanh với rổ tiền tệ chính, đã tăng 0,3% lên 95,079 điểm. Chỉ số này đã chạm mức cao nhất của hơn bảy tháng qua trong phiên trước đó.
Các nhà đầu tư vẫn đang theo dõi sát sao tình hình căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới và nếu Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, giá vàng có thể “thử nghiệm” ở mức 1.309-1.310 USD/ounce.
Theo một số nguồn tin thân cận với Chính phủ Mỹ, Washington gần như hoàn tất danh sách áp thuế đợt hai đối với 100 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc khi Tổng thống Donald Trump chuẩn bị thực hiện đợt áp thuế đầu tiên đối với 50 tỷ USD hàng hóa - động thái được dự báo sẽ dẫn tới một phản ứng mạnh mẽ từ phía Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Geng Shuang, cho biết Trung Quốc cam kết đáp trả “ngay lập tức” đối với hàng hóa Mỹ. Ông Geng Shuang nêu rõ nếu Mỹ thông qua các biện pháp bảo hộ thương mại đơn phương và gây thiệt hại cho các lợi ích của Trung Quốc thì Bắc Kinh sẽ phản ứng ngay lập tức và thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích hợp pháp của nước này.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,1% xuống 17,12 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 19/4 là 17,32 USD/ounce. Kim loại quý này đã tăng 2,2% trong tuần này. Giá bạch kim giao ngay tăng 0,3% lên 902,30 USD/ounce, trong khi giá palladium giảm 0,3% xuống 1.004,72 USD/ounce và hướng đến tuần giảm đầu tiên trong bốn tuần.