Vàng tại Ngân hàng Trung ương Đức ở Frankfurt am Main, miền trung Đức. Ảnh: AFP/TTXVN |
Giá vàng giao ngay tăng 0,3% Tại New York (Mỹ), giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.303,70 USD/ounce, sau khi có thời điểm vọt lên 1.309,30 USD/ounce. Trong khi giá vàng Mỹ giao tháng Tám tăng 7 USD (0,5%) và đóng cửa ở mức 1.308,30 USD/ounce.
Sau khi kết thúc cuộc họp diễn ra ngày 14/6, ECB đã quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức thấp lịch sử ít nhất là cho tới mùa Hè năm 2019 và dự định sẽ ngừng chương trình mua trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp trị giá 30 tỷ euro (37,2 tỷ USD)/tháng vào cuối năm 2018.
Bên cạnh đó, giá vàng còn nhận được hỗ trợ sau khi Trung Quốc cho biết nước này sẵn sàng đáp trả nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump “kích hoạt” kế hoạch áp thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc.
Nhà phân tích Robin Bhar, thuộc Societe Generale, nhận định tình hình căng thẳng thương mại là yếu tố tích cực đối với giá vàng. Tuy nhiên, nhà phân tích này lưu ý rằng thị trường vàng vẫn đối mặt với những “cơn gió ngược” tới từ đà phục hồi của kinh tế toàn cầu và lộ trình nâng lãi suất tại Mỹ.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc tăng 1,4% lên 17,24 USD/ounce sau khi chạm mốc 17,32 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 19/4. Giá bạch kim tăng 0,6% lên 904,50 USD/ounce sau khi có lúc tăng lên 912,80 USD/ounce, mức cao nhất trong hai tuần.
Chứng khoán châu Âu tăng điểm
Trong phiên giao dịch ngày 14/6, các thị trường chứng khoán châu Âu
tăng điểm khá mạnh do đồng euro đi xuống so với đồng USD sau khi Ngân
hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra một lộ trình tăng lãi suất dài hơn
dự kiến.
Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tại thị trường London (Vương quốc Anh) tăng
0,8% lên 7.765,79 điểm và chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) ghi
thêm 1,7% và đóng phiên ở mức 13.107,10 điểm. Điều này cũng diễn ra ở
thị trường Paris (Pháp), khi chỉ số CAC 40 tăng 1,4% lên 5.528,46 điểm
vào cuối phiên giao dịch. Trong lúc chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 cũng
tăng 1,5% lên 3.532,57 điểm.
Sau khi kết thúc cuộc họp ngày 14/6, Ngân hàng Trung ương châu Âu
(ECB) đã quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức thấp lịch sử ít
nhất cho tới mùa Hè năm 2019 và dự định sẽ ngừng chương trình mua trái
phiếu chính phủ và doanh nghiệp trị giá 30 tỷ euro (37,2 tỷ USD)/tháng
vào cuối năm 2018.
Tại thời điểm khoảng 4 giờ sáng ngày 15/6 theo giờ Việt Nam, đồng
euro được giao dịch ở mức 1,3270 USD đổi 1 euro, giảm khoảng 0,8% so với
mức ghi nhận trong phiên trước đó. Ông Joe Manimbo, chuyên gia phân
tích thị trường của Western Union, cho rằng sự sụt giảm của đồng euro
diễn ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu sẽ theo
đuổi tiến trình tăng lãi suất nhanh trong năm 2018 và 2019, cho thấy sự
khác biệt rõ ràng trong chính sách của châu Âu so với Fed.
Trong khi đó, các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Phố Wall
lại có những diễn biến trái chiều. Chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 0,9% và
xác lập mức cao kỷ lục mới là 7.761,04 điểm. Chỉ số S&P 500 ghi
thêm 0,3% lên 2.782,49 điểm vào cuối phiên giao dịch. Tuy nhiên, chỉ số
công nghiệp Dow Jones lại giảm nhẹ 0,1% và khép phiên ở mức 25.175,31
điểm, thể hiện “phong độ sa sút” của các nhà xuất khẩu có nguy cơ bị ảnh
hưởng nếu một cuộc chiến thương mại xảy ra. Cổ phiếu của một loạt các
tên lớn như Boeing, Caterpillar và General Electric đều giảm trong phiên
này.
Theo dự kiến, trong ngày hôm nay 15/6, Nhà trắng sẽ công bố chính
sách thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như đã đề xuất
trước đó.