Tất cả gói thầu đều chậm tiến độ
Dự án xây dựng tuyến metro số 1 do Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư với 5 gói thầu thi công, xây dựng và thiết bị chính; trong đó đã ký kết và triển khai thi công 4 gói thầu và 1 gói thầu còn lại dự kiến triển khai vào cuối năm 2021. Các gói thầu đang triển khai gồm: CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố); CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son); CP2 (đoạn trên cao và depot); CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng).
Dự án được thực hiện từ tháng 3/2007, dự kiến hoàn thành công trình và đưa vào khai thác năm 2018. Tuy nhiên, do việc chậm trễ trong giải phóng mặt bằng và phải lập lại thiết kế kỹ thuật cho nhà ga ngầm Bến Thành nên thời điểm hoàn thành được điều chỉnh vào quý IV/2021. Hiện nay, tiến độ các gói thầu đang bị chậm và khó hoàn thành theo kế hoạch.
Cụ thể, gói thầu CP1a hiện đang bị ảnh hưởng do chưa có khả năng phê duyệt các lệnh phát sinh (VO-1, VO-2), tình trạng chậm thanh toán ở các kì thanh toán giữa kì và tiến độ phối hợp tái lập của các đơn vị hạ tầng kỹ thuật. Việc cung cấp nguyên vật liệu không đủ và thường xuyên bị gián đoạn cho công trường do phải liên tục cập nhật các yêu cầu thủ tục, cấp phép chuyên chở… ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thường ngày của gói thầu.
Bên cạnh đó, tiến độ đóng điện theo cập nhật của nhà thầu CP3 đang chậm hơn 8 tháng; tiến độ lắp đặt đường ống đang chậm hơn 5 tháng so với kế hoạch của nhà thầu CP1a. Do vậy, mục tiêu hoàn thành gói thầu trong quý IV/2021, nhà thầu CP1a cho biết không thực hiện được.
Tại gói thầu số CP1b, Ban Quản lý Đường sắt đô thị cho biết, theo tiến độ thử nghiệm, các hạng mục cơ điện của gói thầu số CP1b sẽ đạt điều kiện để thử nghiệm tích hợp hệ thống sử dụng nguồn điện vĩnh cửu trong tháng 8/2021. Thực tế, các biện pháp hạn chế đi lại ảnh hưởng trực tiếp đến việc thi công gói thầu này, dù đây là gói thầu có tiến độ thực hiện tốt nhất và gần như hoàn thành.
Ngoài ra, hiện nhà thầu gói thầu CP1b đang gặp khó khăn trong khôi phục và ổn định số lượng nhân công thi công. Nhân công của gói thầu này phần nhiều đã về quê trước khi các biện pháp hạn chế di chuyển nghiêm ngặt được áp dụng, dẫn đến việc sụt giảm nghiêm trọng nhân lực thi công. Kế hoạch hoàn thành 100% gói thầu này trong năm 2021 sẽ bị ảnh hưởng và có khả năng không thể hoàn thành.
Đối với gói thầu số CP2, nhà thầu nhận định tiến độ các công việc đang bị ảnh hưởng do tiến độ của gói thầu CP3. Ngoài ra, việc biến động giá nguyên vật liệu bất thường trong tình hình hiện nay cũng gây ra các tác động tiêu cực đối với thi công của nhà thầu.
Tại gói thầu CP3, theo công văn hồi cuối tháng 6/2021, Công ty Hitachi xác định tiến độ đã chậm hơn và sẽ kéo dài đến tháng 8/2023 mới có thể hoàn thành. Nguyên nhân chính là nhà thầu không tập trung đủ nhân công để tiến hành thi công thiết bị cơ điện và thiết bị phục vụ chạy tàu trên toàn tuyến.
Các vật tư, thiết bị đặc biệt được chế tạo, sản xuất hàng loạt ở nước ngoài không thể nhập cảng về Việt Nam. Việc ùn ứ thiết bị tại cảng không thể làm thủ tục thông quan nhanh chóng nhập về kho và công trường dẫn đến các kế hoạch thực hiện bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị, CP3 là nhà thầu giao diện chủ chốt của toàn bộ dự án, tất cả các công việc liên quan đến các hệ thống phục vụ chạy tàu của gói thầu này phụ thuộc vào tiến độ của từng gói thầu thi công CP1a, CP1b, CP2. Đơn cử, các gói thầu thi công không thể thực hiện hoàn thiện kiến trúc do chưa thể đóng trần vì nhà thầu CP3 cần phải thi công xong hệ thống cơ điện, thông tin tín hiệu trong các nhà ga.
“Đây là gói thầu giao diện chính nên các công tác phối hợp giao diện của các gói thầu còn lại với gói thầu CP3 trong quá trình thi công cũng bị ảnh hưởng và không thể hoàn thành nếu công việc của nhà thầu CP3 không thể thực hiện được hoặc thực hiện không đúng kế hoạch”, chủ đầu tư nhìn nhận.
Theo đánh giá của Tư vấn chung NJPT, công việc của các nhà thầu xây lắp (CP1a, CP1b, CP2) có khối lượng sản phẩm, hạng mục công việc được thực hiện ở nước ngoài tương đối thấp. Trong khi đó, các công việc liên quan đến gói thầu CP3 chủ yếu tập trung ở nước ngoài như: mua sắm, sản xuất, kiểm tra (FAT/FAI...), vận chuyển, điều động chuyên gia nước ngoài để thực hiện thử nghiệm và vận hành thử... Do đó, nhà thầu của gói thầu CP3 bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều hơn các nhà thầu của gói thầu xây lắp.
Tháo gỡ vướng mắc để sớm hoàn thành
Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị, với khó khăn của từng gói thầu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay (đã gần 2 năm với các đợt dịch khác nhau) và tổng hòa mối quan hệ giao diện qua lại giữa các gói thầu, các nhà thầu đã tiến hành đánh giá sơ bộ lại tiến độ và có ý kiến về thi công hoàn thành có khả năng vào cuối năm 2023, đầu năm 2024. Việc vận hành, chạy thử vào đầu năm 2024 và sau đó là vận hành thương mại.
Đối với các khó khăn, chủ đầu tư kiến nghị các cấp có thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục nhập cảnh cho chuyên gia của dự án. Cụ thể, các chuyên gia đã tiêm phòng đầy đủ 2 mũi vaccine tại nước sở tại (có xác nhận) cùng kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực, có thể xem xét rút ngắn thời gian cách ly tập trung trước khi thực hiện công việc của dự án.
Cơ quan chức năng có các biện pháp hỗ trợ liên quan đến việc thông thương hàng hóa, thiết bị, vật tư của dự án trong việc vận chuyển nhập cảng và thông quan; có các biện pháp cấp phép các phương tiện vận chuyển vật tư, vật liệu, thiết bị trong thời gian kiểm soát di chuyển do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Trước đó, nhằm khắc phục ảnh hưởng của gói thầu CP3, chủ đầu tư và Hitachi đã ký biên bản ghi nhớ về cách tiến hành các thử nghiệm, nghiệm thu tại nhà máy đối với các thử nghiệm yêu cầu có sự chứng kiến của chủ đầu tư, tư vấn chung và Hitachi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt tái bùng phát dịch, Hitachi đề nghị gia hạn thời gian tiến hành thử nghiệm, nghiệm thu tại nhà máy cho hệ thống thu phí tự động, hệ thống tín hiệu, hệ thống viễn thông và hệ thống đường ray đến cuối năm 2021 thay vì cuối tháng 5 vừa qua.
Hiện nay, chủ đầu tư cùng Liên danh NJPT (Tư vấn chung) và các nhà thầu thi công CP1a (Liên danh Sumitomo Mitsui – Cienco 6), CP1b (Liên danh Shimizu – Maeda), CP2 (Liên danh Sumitomo – Cienco 6), CP3 (nhà thầu Hitachi) xây dựng lại tiến độ của dự án trên cơ sở đánh giá từng tác động cụ thể đến tiến độ dự án.
Chủ đầu tư kiến nghị, cơ quan có thẩm quyền giao đơn vị này sớm tiến hành các thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án theo quy định tại Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2021 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài trình các cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của chuyên gia quy hoạch đô thị, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, do ảnh hưởng của dịch, dự án sẽ bị chậm tiến độ nhưng kéo dài đến năm 2024 (vận hành thương mại) là rất trễ so với kế hoạch. Điều này không hợp lý và thời gian quá lâu, cần có các kịch bản kéo dài tiến độ cụ thể theo tình hình, không nên “áp đặt” thời gian tới năm 2024. Hiện phần xây dựng thô đã cơ bản, tổng khối lượng gần 90%.
Theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, thời gian kéo dài dự án như trên là không hợp lý vì ba năm tới là khoảng thời gian rất dài, sẽ tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố, nhất là khu vực trung tâm và trục dọc tuyến metro số 1. Cùng đó, dự án sẽ ảnh hưởng đến các vấn đề khác như đội vốn, gây kẹt xe...
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, với dự án quan trọng như metro số 1, Trung ương và TP Hồ Chí Minh sẽ có những ưu tiên tháo gỡ các vướng mắc hiện nay để dự án đẩy nhanh tiến độ. Về nhân sự, thời gian tới người lao động sẽ trở lại làm việc, quan trọng là các quản lý, tổ chức ti công công trường cho phù hợp.
Riêng với nhân sự vận hành, ông Sơn kiến nghị, trước mắt có thể thuê nhân sự nước ngoài vận hành trong thời gian đầu và cho đào tạo, chuyển giao công nghệ tại chỗ thay vì phải cử người đi nước ngoài học tập.
Đến nay, lũy kế khối lượng tổng thể của toàn dự án đạt 87,5%, dự kiến đến cuối năm 2021 đạt 91%. Cụ thể, gói thầu CPla đạt khoảng 93%; CP1b đạt khoảng 98,6%; CP2 đạt khoảng 93,8%; CP3đạt khoảng 73,32%.