Sự năng động của châu Á được thể hiện rõ qua việc Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa Trung Quốc và 14 nước châu Á - Thái Bình Dương được ký kết tháng 11/2020. Sự kiện này khẳng định châu Á sẽ là khu vực đầu tàu của cả thế giới.
Việc ký kết RCEP cho thấy có sự thay đổi về chiến lược kinh tế của toàn khu vực. Các nước châu Á - Thái Bình Dương hiểu rằng việc tạo ra một thị trường lớn trong lòng khu vực là một giải pháp hiệu quả cho phát triển kinh tế. RCEP chiếm tới 30% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, 28% thương mại thế giới và có liên quan đến 2,2 tỷ dân. Sự phát triển trong tương lai của khu vực không còn lệ thuộc nhiều vào việc phải tìm kiếm các thị trường Mỹ và châu Âu, mà là tạo ra một thị trường lớn trong lòng châu Á. Nhu cầu nội địa sẽ là động cơ thúc đẩy phát triển khu vực.
Mặt khác, dân số đông và mức sống đa dạng tuy là hạn chế nhưng cũng mang lại lợi thế lớn cho khu vực. Đối với nhiều tập đoàn đa quốc gia, RCEP tạo nhiều thuận lợi cho việc tìm kiếm những nước mới có chi phí nhân công thấp.
Theo chuyên gia kinh tế Patrick Artus tại ngân hàng Natixis (Pháp), dự báo tăng trưởng châu Á năm 2021 sẽ đạt 4%, tuy nhiên khu vực này cần cải thiện năng suất lao động. Một ưu điểm khác của châu Á là khu vực này chi cho nghiên cứu và phát triển cao hơn cả Mỹ, nên từ góc độ này, châu Á có thể được ví như là một “cường quốc” công nghệ.