Hiện tại, xâm nhập mặn bắt đầu ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi trong phạm vi từ 35-45 km từ cửa biển vào trong các ngày triều cường. Tuy nhiên, nguồn nước hiện vẫn đáp ứng yêu cầu cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Trước dự báo trong tháng 3/2022 dự báo là tháng cao điểm xâm nhập mặn trong mùa khô 2021 - 2022. Do vậy, để chủ động ứng phó, không để thiên tai gây hại cho sản xuất và đời sống, tỉnh Tiền Giang tiếp tục theo dõi sát diễn biến xâm nhập mặn trên các tuyến sông Tiền, sông Vàm Cỏ, sông Hàm Luông để vận hành hệ thống các cống đập ngăn mặn một cách hợp lý, hiệu quả. Cùng đó, tập trung ra quân làm thủy lợi nội đồng, giải phóng chướng ngại vật lòng kênh, khai thông dòng chảy đưa nước ngọt đến từng chân ruộng.
Đối với vùng dự án ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh, địa phương yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang quan tâm tổ chức vận hành lấy nước ngọt qua cống Xuân Hòa khi độ mặn ngoài cống nằm trong phạm vi cho phép để trữ trong nội đồng ứng phó hạn mặn.
Riêng đối với vùng kiểm soát lũ phía Tây, thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến xâm nhập mặn từ phía sông Hàm Luông nhằm chủ động triển khai đóng 7 đập thép ngăn mặn trên đướng huyện 35 và đóng các cống đập thuộc dự án Đông vá Tây sông Ba Rày, bảo vệ các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao khi độ mặn tăng cao và lấn sâu về thượng lưu.
Tỉnh Đồng Tháp cũng đề ra mục tiêu đảm bảo đủ nước tưới cho 216.200 ha diện tích gieo trồng vụ Hè Thu năm 2022; 34.000 ha hoa màu cây công nghiệp ngắn ngày; 40.117 ha cây lâu năm; 6.700 ha nuôi trồng thủy sản và nhu cầu nước sinh hoạt của người dân.
Theo đó, tỉnh Đồng Tháp ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư và khẩn trương nạo vét các kênh cạn kiệt ở các khu vực có khả năng gây thiếu nước bơm tưới; tháo dỡ các chướng ngại vật gây cản trở dòng chảy, nhằm đảm bảo đưa nguồn nước tưới tới đất sản xuất của người dân.
Các đơn vị chủ động bơm tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp; áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây lúa và cây trồng cạn (tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt,…) đối với các vùng khó khăn về nước tưới; đồng thời bố trí lịch xuống giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện nguồn nước, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.
Vào những ngày triều cường, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh chỉ đạo các đơn vị thủy nông tại các địa phương trong tỉnh đóng tất cả các cửa công đầu mối, như: cái Hóp, Cần Chong, Láng Thè Mỹ Văn, Rạch Rum, Bông Bót, Tân Dinh… để ngăn mặn. Đồng thời, theo dõi thường xuyên kiểm tra độ mặn để mở cửa cống tích ngọt khi độ mặn của nước giảm.
Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, nguồn nước cho sản xuất ở mùa kiệt năm nay ở mức tương đương với năm 2020-2021. Xâm nhập mặn trong tháng 3 vẫn còn ở mức cao, có thể diễn biến bất thường, nguy hiểm ở bất cứ thời điểm nào do phụ thuộc vào vận hành thuỷ điện ở thượng nguồn.
Để chủ động giảm thiểu các thiệt hại do hạn mặn gây ra, các địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý chuyên ngành về lịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng nhất là vùng cách biển từ 35-45 km. Sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân 2022 xong, các địa phương phải chờ nguồn nước ngọt trên sông ổn định hoặc chờ mưa diện rộng mới xuống giống vụ Hè Thu.
Các địa phương phối hợp với các đơn vị quản lý và khai thác công trình thủy lợi, cập nhật lịch vận hành, tranh thủ lấy ngọt (khi độ mặn ngoài sông cho phép) để tích trữ nước ao, ruộng, mương liếp… . Đặc biệt, khi tưới cho cây trồng, nhất là khu vực trồng cây ăn quả tại: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng… cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn trước khi tưới.