Theo đó, từ 15/10/2021 - 14/10/2022, Thanh tra giao thông cả nước đã kiểm tra hơn 89.000 xe, phát hiện hơn 14.000 xe vi phạm, tước 2.244 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước hơn 82 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, kết quả nêu trên chưa phản ánh hết được tình trạng xe quá tải lưu thông trên các tuyến đường, thực tế còn rất nhiều phương tiện cơi nới kích thước thành thùng, chở hàng quá khổ giới hạn, quá tải trọng chưa được phát hiện, xử lý.
Nguyên nhân được Cục Đường bộ Việt Nam chỉ rõ là do lực lượng chức năng còn mỏng, các chủ xe, lái xe tìm mọi cách để trốn tránh, lưu thông vào ban đêm nhằm qua mặt lực lượng chức năng.
Thông tin thêm, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, tình trạng xe quá tải vẫn tiếp diễn, lưu thông trên nhiều quốc lộ như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 2, Quốc lộ 19, Quốc lộ 47, đường Hồ Chí Minh. Một số đường địa phương có các mỏ vật liệu xây dựng, mỏ quặng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa như Hải Dương, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An... còn tình trạng xe sang tải, dồn tải xung quanh các cảng nhỏ, bến thủy nội địa.
Vẫn còn tình trạng sử dụng xe đầu kéo kéo theo sơmi rơmoóc lắp ben thủy lực và thùng chở hàng gắn vào sát xi của sơmi rơmoóc có trục xoay phía cuối để chở quá tải hơn 200% lưu thông trên đường thuộc các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai.
Một số Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, nhà đầu tư BOT, doanh nghiệp vận tải, mặc dù đã ký cam kết không bốc xếp, tiếp nhận phương tiện chở quá tải nhưng thực tế vẫn vi phạm. Nguyên nhân do thiếu chế tài pháp lý để xử lý các trường hợp đã ký cam kết nhưng vẫn vi phạm.
Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, việc kiểm tra và xử lý vi phạm tại đầu nguồn hàng chưa được duy trì thường xuyên. Một số địa phương có cảng, mỏ vào cuộc chưa quyết liệt trong kiểm soát xếp hàng hóa lên xe và chưa kiên quyết xử lý chủ mỏ, chủ cảng vi phạm.
Một số doanh nghiệp có xe vi phạm khi bị kiểm tra thường tìm mọi cách né tránh, giấu xe, cho người theo dõi lực lượng xử lý hoặc khi bị kiểm tra thì chỉ đạo lái xe, phụ xe không chấp hành, đóng cửa xe bỏ đi, lôi kéo nhiều người chống đối, gây rối, cản trở các lực lượng làm kiểm soát tải trọng phương tiện.
Để làm tốt kiểm soát tải trọng xe thời gian tới, Cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các dự án đầu tư xây dựng đường bộ mới, nhất là các dự án đường cao tốc đưa cân tự động để kiểm soát xe quá tải. Đồng thời, từng bước đầu tư trạm cân tự động trên các tuyến đường giao thông huyết mạch.
Các Ban quản lý dự án, các chủ đầu tư có các giải pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm các nhà thầu sử dụng xe cơi nới kích thước thành thùng, chở vật tư, vật liệu xây dựng quá tải để cung cấp cho các công trình.
Cục Đường bộ Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu các trung tâm, trạm đăng kiểm không cấp giấy chứng nhận kiểm định đối với các phương tiện vi phạm, đã bị lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xử lý nghiêm các đơn vị cố tình vi phạm. Đồng thời đề xuất tăng nặng các biện pháp xử lý đối với các phương tiện cơi nới kích thước thành thùng hàng.
Cơ quan này cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo các cảng, bến thủy nội địa phải lắp đặt thiết bị cân cố định và có phương án để kiểm soát hàng hóa bốc lên phương tiện trước khi xuất hàng, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
Đồng thời, chỉ đạo và cho phép các nhà đầu tư BOT bổ sung hệ thống cân theo hướng cân kiểm tra tải trọng xe tự động nhằm giảm nhân sự vận hành, hạn chế sự tác động của con người để tránh tiêu cực khi thực hiện nhiệm vụ.
Mặt khác, đề nghị Bộ Công an tiếp tục thực hiện việc phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải trong kiểm soát tải trọng phương tiện. Theo đó chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương chủ động và tiếp tục phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông trong kiểm soát tải trọng phương tiện.
Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải bố trí lực lượng, kinh phí, duy trì hoạt động của các trạm kiểm tra tải trọng xe, đồng thời sử dụng cân xách tay để kiểm soát xe quá tải. Nghiên cứu, đầu tư lắp đặt các trạm cân cố định theo mô hình trạm tự động nhằm giảm nhân sự vận hành, hạn chế sự tác động của con người để tránh tiêu cực.
Cấp kinh phí để mua sắm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để tăng cường sử dụng thiết bị ghi hình ghi lại hình ảnh phương tiện vi phạm, đặc biệt là các xe cơi nới kích thước thành thùng, làm cơ sở để lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính; tổng hợp các xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định gửi về Cục Đăng kiểm Việt Nam để xử lý.
Cùng với đó yêu cầu các cơ sở đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng, nhà máy, khu công nghiệp phải lắp đặt thiết bị cân cố định để kiểm soát hàng hóa bốc lên phương tiện trước khi xuất hàng. Trường hợp các đơn vị vi phạm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng có thể xem xét rút giấy phép kinh doanh để tạo sự răn đe chung, phòng ngừa vi phạm.