Để đáp ứng thị hiếu tiêu dùng tại thị trường trong nước và xuất khẩu, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã và đang chủ động định hướng hàng Việt theo chuẩn hội nhập.
Cụ thể, hướng đến mục tiêu tiếp tục cung cấp nguồn thực phẩm chất lượng và an toàn đến người tiêu dùng, Bách hoá Xanh (chuỗi siêu thị mini chuyên bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu thuộc Công ty cổ phần đầu tư Thế giới di động) đã hợp tác chiến lược cùng Tập đoàn Minh Phú (doanh nghiệp đầu ngành có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thủy sản tại Việt Nam). Thông qua sự ký kết hợp tác, hai bên sẽ đưa các dòng tôm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu Nhật Bản, Mỹ và EU, được nuôi trong môi trường không kháng sinh, không hoá chất của Minh Phú vào phân phối, bán lẻ tại hệ thống Bách hoá Xanh.
Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Văn Trọng, Tổng giám đốc Bách hóa Xanh đánh giá đây là minh chứng cho nỗ lực của nhà bán lẻ trong việc tìm kiếm và cung ứng nguồn nhu yếu phẩm uy tín, chất lượng cao, từ đó nâng tầm bữa cơm gia đình Việt. Trước đây thường có quan niệm những sản phẩm ngon đều dành để xuất khẩu, nhưng Bách hóa Xanh đang làm ngược lại, với mong muốn người tiêu dùng trong nước sẽ được hưởng những sản phẩm đạt tiêu chuẩn hội nhập hoặc đã xuất khẩu vào những thị trường khó tính.
Sản phẩm tôm của Minh Phú bày bán tại Bách hoá Xanh được thu hoạch từ vùng nuôi của tập đoàn cũng như các hộ nông dân liên kết, cam kết quy trình nuôi thuận thiên, hoàn toàn không sử dụng kháng sinh và các hóa chất có hại cho sức khỏe người tiêu dùng và môi trường. Tôm được đội ngũ cung ứng của tập đoàn giám sát chất lượng từ 2 đến 3 lần trước khi thu hoạch. Đồng thời, với hệ thống 1.700 siêu thị rộng khắp và quy trình chuẩn hóa, Bách hoá Xanh có đủ năng lực tiếp nhận sản phẩm tôm từ phía Minh Phú theo đúng tiêu chuẩn.
Liên quan đến hợp tác với hệ thống bán lẻ nội địa tiêu thụ sản phẩm chuẩn xuất khẩu, ông Lê Văn Quang, Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú cũng cho biết, Bách hóa Xanh là hệ thống uy tín và rộng khắp sẽ tăng thêm cơ hội để Minh Phú đưa con tôm mang chuẩn quốc tế lên bàn ăn Việt. Với sự hợp tác này sẽ giúp thương hiệu doanh nghiệp gần hơn với người tiêu dùng trong nước cũng như cách đã chinh phục thị trường nước ngoài.
Không chỉ trong ngành hàng lương thực, thực phẩm, mà ở những ngành hàng khác, nhiều doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh cũng không nằm ngoài cuộc đua tăng cường sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng và uy tín nhằm đáp ứng thị hiếu tiêu dùng, cũng như lối sống xanh của người dân trong nước. Trong số đó, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu không ngừng nỗ lực cải thiện sản phẩm và thúc đẩy phát triển nhãn hàng thân thiện với môi trường, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.
Điển hình, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Qui Phúc (Qui Phúc), TP Hồ Chí Minh, với 40 năm hình thành và phát triển luôn giữ vững định hướng sản xuất bền vững, chú trọng đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, tạo ra những sản phẩm nội ngoại thất inox - nhựa chất lượng cao, tiện dụng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Qui Phúc cũng tiên phong trong việc thực hiện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bằng việc áp dụng giải pháp tiên tiến trong sản xuất, tiết kiệm nhiên liệu và năng lượng, giảm phát thải, hướng đến xây dựng hệ sinh thái sản xuất bền vững.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng giám đốc Qui Phúc cho rằng, hội nhập quốc tế là một trong những chiến lược quan trọng trong quá trình phát triển nên công ty đã và đang đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm sang nhiều thị trường quốc tế với mục tiêu mở rộng toàn châu Á đến năm 2025. Tuy nhiên, muốn đạt được mục tiêu này, Qui Phúc xác định phải đảm bảo trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nội thất tại Việt Nam, mới có thể vươn ra thị trường quốc tế.
Đánh giá về xu hướng “nâng chất hàng Việt” trong doanh nghiệp, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho hay, thông tin từ cuộc khảo sát người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao 2024 cho thấy nhóm doanh nghiệp mới đạt tỷ lệ bầu chọn lần đầu (mới nổi) là những doanh nghiệp có nỗ lực mang tính đột phá trong hoạt động phân phối với sự gia tăng độ phủ khá tốt tại các hệ thống phân phối. Hầu hết doanh nghiệp mới nổi đều là doanh nghiệp cung ứng sản phẩm thực phẩm, doanh nghiệp tiêu biểu trong thực hành sản xuất, doanh nghiệp phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) và tài nguyên bản địa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Một số chuyên gia khác cũng chỉ ra rằng, chuỗi cung ứng nội địa bền vững sẽ tạo "đòn bẩy" duy trì mức tăng trưởng thương mại hàng Việt trong và ngoài nước, giúp doanh nghiệp đủ sức đề kháng bằng năng lực cạnh tranh chất lượng và giữ lấy niềm tin của người tiêu dùng. Thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam đang phát triển về chiều sâu, không chỉ dừng lại ở yếu tố chất lượng cảm nhận, độ bền, giá cả… mà ngày càng hướng đến sản phẩm đạt chứng nhận chất lượng, tiêu chuẩn toàn cầu… đang trở thành ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng Việt.
Vừa qua, một trong những trọng tâm của hoạt động nâng chất hàng Việt kể từ năm 2024 của Ban chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hồ Chí Minh là "Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh" cũng thu hút hầu hết thương hiệu bán lẻ uy tín trên địa bàn thành phố tham gia như Saigon Co.op, Satra, Bách hóa Xanh, MM Mega Market, AEON… Các đơn vị này, sẽ hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, với bước đầu là tập trung lựa chọn một số sản phẩm có quy trình kiểm soát tốt, từ đó nhân rộng ra đa dạng sản phẩm khác.
"Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh" cũng là giải pháp thiết thực thúc đẩy hàng Việt chinh phục người Việt, phù hợp với lợi ích của doanh nghiệp làm ăn chân chính, có tầm nhìn dài hạn và có trách nhiệm. Hơn thế nữa, xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt Nam sẽ tạo tiền đề định hướng sản xuất, nâng cao chất lượng hàng Việt, đủ tiêu chuẩn cho người Việt, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập và hướng đến những thị trường xuất khẩu toàn cầu.