Hội thảo thu hút sự tham gia và phát biểu cùng những đánh giá của giới chức thương mại Ủy ban châu Âu, Văn phòng tại Việt Nam của Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Đức (GTAI), cùng lãnh đạo các hiệp hội, giới kinh doanh Đức về những cơ hội mà EVFTA mang lại cho các doanh nghiệp Đức.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu tại hội thảo, quan chức phụ trách về thương mại thuộc Văn phòng Ủy ban châu Âu tại Đức, ông Sam Pieters, đã thông tin về những thuận lợi của EVFTA với việc hàng hóa thâm nhập thị trường Việt Nam có thể được dỡ bỏ tới 99% mức thuế quan trong vòng 10 năm tới, cũng như các điều khoản giúp các công ty thâm nhập thị trường Việt Nam dễ dàng hơn.
Tiến sĩ Frauke Schmitz-Bauerdick, Giám đốc GTAI tại Việt Nam đánh giá về những ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với kinh tế Việt Nam. Bà cho rằng, không giống như Đức, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng dương, mặc dù yếu hơn trong năm nay.
Theo bà, các động lực tăng trưởng tại Việt Nam sẽ là đầu tư công vào cơ sở hạ tầng và năng lượng, tiêu dùng tư nhân trong nước và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Là một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới chuyên cung cấp và tư vấn cho khách hàng các loại thiết bị phục vụ ngành may mặc công nghiệp, Công ty VEIT thuộc bang Bayern đã hoạt động thành công tại Việt Nam từ năm 1994.
Tại hội thảo, Giám đốc điều hành VEIT, ông Günter Veit, đã chia sẻ những kinh nghiệm về hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, việc tìm kiếm nhân lực phù hợp, kỳ vọng của khách hàng Việt Nam đối với sản phẩm Đức cũng như cách thức để tìm kiếm các đối tác kinh doanh.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đều nhất trí đánh giá EVFTA là một bước tiến quan trọng đối với các doanh nghiệp châu Âu, Đức và bang Bayern cũng như với các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời cho biết đã có thể cảm nhận được những tác động tích cực mà EVFTA mang lại. Trong khi đó, Giám đốc điều hành VBW Bertram Brossardt cho rằng Hiệp định thương mại là tín hiệu mạnh mẽ đối với thương mại tự do, chống lại chủ nghĩa bảo hộ.
Theo ông, Việt Nam ngày càng trở thành một điểm đầu tư hấp dẫn và có ý nghĩa lớn về kinh tế với các doanh nghiệp bang Bayern ngay cả khi Việt Nam hiện chưa phải là đối tác quan trọng nhất của Bayern. Ông nhấn mạnh, trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng toàn cầu, việc cùng các đối tác hướng tới các thị trường mở với những điều kiện đầu tư tốt là hoàn toàn đúng đắn.
Ông cho biết, EVFTA sẽ mở ra những cơ hội tiếp cận thị trường mới cho các doanh nghiệp hai bên, không những giúp mang lại sự thịnh vượng mà còn giúp thúc đẩy thương mại quốc tế. Với hiệp định này, các doanh nghiệp Bayern sẽ có cơ hội tìm kiếm vị thế tốt hơn tại một thị trường đang phát triển như Việt Nam.
Trong một hội thảo giao thương Việt Nam – Đức mới đây, ông Phạm Trường Giang, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt, nhấn mạnh Việt Nam và Đức, nhất là các bang công nghiệp rất mạnh ở phía Tây Nam Đức, còn dư địa rất lớn để có thể tăng cường hơn nữa sự hợp tác song phương. Theo ông, để tạo thuận lợi cho việc hợp tác, có thể thành lập nhóm hỗ trợ, giải quyết và thúc đẩy việc xúc tiến, kết nối đầu tư, kinh doanh giữa các doanh nghiệp hai nước. Nhằm tăng cường khai thác hiệu quả EVFTA, ông cũng kiến nghị thành lập các kho bãi chứa hàng hóa Việt Nam tại Frankfurt - trung tâm thương mại của Đức cũng như châu Âu (nơi có đường hàng không kết nối trực tiếp với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) hoặc Hamburg (nơi có đường biển). Bên cạnh đó, cũng cần lập một chương trình thực hiện các triển lãm và trao đổi hàng hóa bằng các hình thức phù hợp để có thể thể lan tỏa thông tin và tận dụng tối đa những lợi ích mà EVFTA mang lại.
Theo số liệu của VBW, thị trường đang phát triển năng động Việt Nam hiện đứng thứ 39 trong số các đối tác thương mại quan trọng nhất của bang Bayern, với kim ngạch thương mại năm 2019 đạt trên 1,57 tỷ euro, trong đó, Bayern xuất sang Việt Nam số hàng hóa trị giá trên 430 triệu euro (chủ yếu là máy móc, thiết bị xử lý dữ liệu, điện tử, quang học), trong khi nhập khẩu từ Việt Nam (đạt 1,14 tỷ euro) phần lớn là đồ da (41%) và các sản phẩm may mặc (30%).