Đây là thông tin được các chuyên gia đưa ra tại Hội nghị “EVFTA – Cơ hội nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”, do Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Rau quả Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 9/10 tại Tp. Hồ Chí Minh.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông lâm sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các mặt hàng đều có dư địa thuế tương đối cao như thịt gà, thịt lợn có lộ trình khá dài (8-10 năm), trong khi thịt bò, sữa và các sản phẩm từ sữa có lộ trình giảm thuế nhanh, chỉ từ 0-3 năm.
Như vậy, trong ngắn hạn và dài hạn, ngành chăn nuôi sẽ đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn từ hàng nhập khẩu từ EU. Mặt khác, một thực tế khác là thường xảy ra tình trạng các nước “trả đũa” hoặc “có đi, có lại” trong đàm phán thương mại, gặp áp lực lớn cho vận hành chính sách trong nước.
Một thách thức khác cho ngành nông nghiệp khi tham gia Hiệp định EVFTA, đó là việc đáp ứng quy tắc nguồn gốc xuất xứ để đảm bảo quyền lợi hưởng ưu đãi. Một số ngành hàng hiện nay của Việt Nam có nguy cơ khó đáp ứng các quy định về xuất xứ.
Chẳng hạn trong ngành điều, EU có quy định tương đối chặt về nguồn gốc xuất xứ với hạt điều khi xem công đoạn gia công bóc vỏ hạt điều là chế biến giản đơn nên bắt buộc mặt hàng điều nhân của Việt Nam muốn đạt nguồn gốc xuất xứ phải chế biến từ nguồn điều nguyên liệu sản xuất trong nước. Trong khi đó, lâu nay, nguồn nguyên liệu từ nhập khẩu vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong ngành chế biến điều Việt Nam.
Mặt khác, đối với thủy sản, EU vẫn đang áp “thẻ vàng” cảnh báo việc đánh bắt cá bất hợp pháp, không quản lý và không khai báo đối với thủy hải sản xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU. Hiện EU tăng cường kiểm soát đối với 100% lô hàng thủy sản và tăng tần suất kiểm tra các mặt hàng nông sản khác xuất sang EU đã tạo ra những rào cản khó khăn trong việc tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA.
Ngay như mặt hàng mật ong, theo nội dung Hiệp định EVFTA, EU sẽ xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực và không áp dụng hạn ngạch thuế quan. Tuy nhiên, để xuất được sang thị trường này, sản phẩm mật ong phải đáp ứng quy định nghiêm ngặt về kiểm dịch động thực vật (SPS).
Tuy vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, những thách thức trên là cơ hội để ngành nông nghiệp Việt Nam thúc đẩy sản xuất chất lượng để đáp ứng yêu cầu thị trường. Để làm được điều này, sản xuất trong nước phải tổ chức lại theo các chuỗi giá trị gắn kết thì mới hấp thụ được sự hỗ trợ từ các bên, hướng đến hiệu quả.
Ông Lê Duy Minh, Chủ tịch Hiệp hội trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, Hiệp định EVFTA sẽ là cơ hội vàng, tạo ra cú hích lớn cho xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam, nhất là các sản phẩm có thế mạnh như thủy sản, rau quả, gạo, cà phê, hồ tiêu, các sản phẩm đồ gỗ.... Tuy nhiên, để tận dụng tốt cơ hội này, các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã, trang trại phải chủ động nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường tương đối khó tính này.
Theo các chuyên gia, để tận dụng ưu đãi từ hiệp định, các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp cần tìm hiểu kĩ các cam kết về thuế quan, lộ trình xóa bỏ thuế trong lĩnh vực liên quan và các quy tắc về xuất xứ hàng hóa. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu các thỏa thuận liên quan khác như hải quan và tạo thuận lợi thương mại, phòng vệ thương mại… Chỉ khi nắm rõ thì doanh nghiệp mới có thể chủ động làm chủ “sân chơi” mới này.