Đường ngoại lũng đoạn thị trường trong nước

Tiêu thụ khó khăn do phải cạnh tranh với đường nhập khẩu khiến lượng đường tồn kho trong nước hiện nay lên mức cao nhất, khoảng 600.000 tấn. Mặc dù tồn kho lớn và cạnh tranh với hàng nhập khẩu, các nhà máy đã giảm giá để kích cầu, nhưng giá bán đường đến tay người tiêu dùng lại bị đẩy lên mức cao.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, thị trường đường thế giới giảm giá và nguồn cung dư thừa đã ảnh hưởng đến thị trường đường trong nước. Ở trong nước đang bước vào tháng kết thúc vụ sản xuất, giá bán buôn đường kính trắng có xu hướng tăng, nhưng giá bán đường tinh luyện lại giảm.

Đóng bao đường thành phẩm tại Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN


Tuy nhiên, so cùng kỳ năm trước, mức giá hiện nay vẫn thấp hơn 2.600 đồng/kg đường kính trắng và 1.600 đồng/kg đối với đường tinh luyện. Hiện giá đường kính trắng phổ biến ở mức 14.500 đến 15.200 đồng/kg, tăng 300 đến 400 đồng/kg; giá đường tinh luyện ở mức 16.000 đến 16.800 đồng/kg, giảm 300 đến 500 đồng/kg so với tháng trước.

Tính đến thời điểm này, lượng đường tồn kho tại các nhà máy còn 566.400 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 222.410 tấn. Nếu tính cả lượng đường tồn kho tại các công ty thương mại trong hệ thống Hiệp hội Mía đường khoảng 28.000 tấn và các hệ thống phân phối, tổng lượng đường tồn kho lên đến 600.000 tấn và đây là mức tồn kho cao nhất từ trước đến nay.

Với mức tiêu thụ bình quân trong cả nước khoảng trên 100.000 tấn/tháng, từ nay đến hết tháng 8/2013, lượng đường tồn kho này khó có thể tiêu thụ hết được trước khi vào niên vụ sản xuất mới. Điều đáng chú ý, do tồn kho lớn, từ tháng 5, các nhà máy đã giảm mạnh giá bán đường, nhưng giá bán lẻ vẫn không giảm.

Tại hầu hết các siêu thị, giá đường tinh luyện vẫn ở mức cao, dao động từ 21.000 đồng đến 22.000 đồng/kg; tại các chợ và cửa hàng bán lẻ, dao động từ 22.000 đồng đến 24.000 đồng/kg. Như vậy, giá bán đường từ nhà máy đến tay người tiêu dùng tăng từ 4.000 đồng đến 7.000 đồng/kg.

Lý giải việc này, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Nguyễn Thành Long cho rằng, đây là vấn đề mà ngành đường cũng như nhiều ngành khác đang gặp khó khăn do chưa xây dựng được kênh phân phối nên phải qua nhiều tầng nấc trung gian, thương lái, đại lý cấp một, cấp hai, cửa hàng bán lẻ rồi mới đến tay người tiêu dùng khiến giá thành sản phẩm bị đội lên là điều khó tránh khỏi.

Để hạn chế và khắc phục tình trạng này, Hiệp hội Mía đường sẽ cùng với Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xây dựng Nghị định về quản lý mía đường trong năm 2013. Nghị định này sẽ đề ra các giải pháp để ổn định sản xuất, kiểm soát giá mía, giá đường tốt hơn, từ khâu thu mua mía, đến khâu sản xuất và phân phối sản phẩm.

Tồn kho lớn, giá cao, tiêu thụ trong nước khó khăn, ngành mía đường còn phải đối mặt với tình trạng đường ngoại, đặc biệt là đường có xuất xứ từ Thái Lan tràn về Việt Nam gian lận thương mại theo hình thức tạm nhập tái xuất. Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội Mía đường về tình hình buôn lậu và gian lận thương mại mặt hàng đường trong các năm 2010, 2011, 2012, đường nhập lậu gia tăng theo từng năm.

Nếu như niên vụ 2010-2011 lượng đường này nhập về chỉ 200.000 – 300.000 tấn, thì đến niên vụ 2011-2012 nâng lên khoảng 300.000 – 400.000 tấn và niên vụ 2012-2013 dự kiến khoảng 400.000 – 500.000 tấn. Với lượng đường nhập khẩu về năm sau cao hơn năm trước, Hiệp Hội cho rằng, việc làm này không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, gây thất thu cho Nhà nước mà còn làm lũng đoạn thị trường và có thể làm phá sản ngành sản xuất mía đường Việt Nam trong tương lai nếu không có biện pháp tốt.

Trước thực trạng này, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị không cho phép tạm nhập tái xuất mặt hàng đường để giúp tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ mặt hàng này sản xuất trong nước. Văn bản này nêu rõ, nếu cho tạm nhập tái xuất mặt hàng đường sang Trung Quốc theo tuyến biên giới, chắc chắn đường của Thái Lan sẽ thay đường sản xuất trong nước để sang Trung Quốc, đồng nghĩa với việc Việt Nam vừa mất thị trường nội địa, vừa mất luôn thị trường xuất khẩu gần như duy nhất của nước ta.

Để giải quyết tình trạng này, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Ban Chỉ đạo 127 Trung ương khẩn trương báo cáo tình hình buôn lậu đường và hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất đường thời gian vừa qua, làm rõ số lượng, giá trị và tình hình thanh khoản các lô hàng đường đã tạm nhập khẩu vào Việt Nam… Đồng thời, các Bộ Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia ý kiến đối với kiến nghị của Hiệp hội Mía đường về việc không cho phép tạm nhập tái xuất mặt hàng đường, báo cáo để Thủ tướng Chính phủ xem xét.


Văn Xuyên

Thương lái 'làm giá' mía đường
Thương lái 'làm giá' mía đường

Dư thừa hơn 600.000 tấn đường, giá tại các nhà máy bán thấp trong khi giá đường đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao khiến dư luận hoài nghi về việc "làm giá" đường của các thương lái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN