Châu Âu mong muốn Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) và các đối tác lớn khác trên thế giới đóng góp cho những nỗ lực cứu trợ tài chính Khu vực đồng Euro (Eurozone) thông qua Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Đây là lời kêu gọi của Chủ tịch Eurozone Jean-Claude Juncker sau cuộc họp trực tuyến kéo dài hơn 3 tiếng rưỡi ngày 19/12 với đại diện 17 nước thành viên Eurozone thảo luận về giải pháp cứu khu vực này thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công có nguy cơ nhấn chìm nhiều nền kinh tế.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Đề nghị trên được đưa ra sau khi Liên minh châu Âu (EU) không thể thực hiện được mục tiêu huy động 200 tỷ euro vốn từ các nước thành viên cho IMF, trong đó Eurozone đóng góp 150 tỷ euro, để định chế này có tiền hỗ trợ những nước gặp khó khăn về tài chính. Nguyên nhân khiến EU không đạt được mục tiêu trên là do Anh đã từ chối tham gia kế hoạch cứu trợ Eurozone cũng như việc sửa đổi Hiệp ước Lixbon, theo đó thắt chặt hơn các quy định về tài chính tại Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra hôm 9/12 vừa qua. Dựa vào hạn mức đóng góp tùy thuộc vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của từng nước, Anh dự kiến phải đóng góp 30 tỷ euro thông qua IMF để cứu trợ các nước khủng hoảng.
Trước đó, 17 quốc gia thành viên Eurozone đã nhất trí cho IMF vay 150 tỷ USD euro để tổ chức này đủ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Eurozone. Cho đến nay, đã có 4 nước gồm CH Séc, Đan Mạch, Ba Lan và Thụy Điển - những nước EU không tham gia Eurozone - cũng cam kết cho IMF vay tiền nhằm bình ổn liên minh tiền tệ này.
Cùng ngày, IMF thông báo đợt giải ngân tiếp theo trị giá 2,9 tỷ euro (tương đương 3,8 tỷ USD) cho Bồ Đào Nha, nâng tổng số tiền nước này nhận được từ các định chế tài chính quốc tế lên tới 13,6 tỷ euro. Đây là đợt giải ngân tiếp theo của IMF trong gói cứu trợ chung với EU trị giá 78 tỷ euro dành cho Bồ Đào Nha nhằm cứu nước này thoát khỏi nguy cơ phá sản.
TTXVN/Tin Tức