Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây cho rằng nền kinh tế này đang phát triển năng động, mặc dù tình hình chung của thế giới tương đối khó khăn. Trong khi đó, sắp tới kinh tế châu Âu sẽ phải "thắt lưng buộc bụng hơn", bởi không chỉ phải kéo các nước thành viên ra khỏi "vũng lầy" tài chính, EU còn phải trả các khoản nợ của Ukraine.
Trong buổi phỏng vấn trên kênh truyền hình quốc gia "Nước Nga -1", ông Putin cũng nhấn mạnh rằng để cứu Ukraine khỏi sự sụp đổ kinh tế, tất cả các nước châu Âu đều sẽ phải tham gia và châu Âu nên quan tâm đến một vấn đề tài chính đó là Ukraine không có khả năng chi trả tiền mua khí đốt.
Tổng thống Nga Putin. Ảnh: RIA Novosti |
“Chúng tôi không muốn làm suy yếu nền kinh tế Ukraine, cũng không muốn đặt câu hỏi về độ tin cậy đối với dầu khí quá cảnh sang châu Âu. Do đó chúng tôi kêu gọi tất cả các nước châu Âu, tất cả các nước quan tâm đến việc duy trì nền kinh tế Ukraine, hãy tham gia vào quá trình hỗ trợ cho Ukraine và đưa ra các biện pháp tài trợ cho ngân sách nước này”, Tổng thống Nga nói.
Hiện tại, có thể Kiev không lo đủ nguồn kinh phí cần thiết để trả nợ. Ông Dmitry Abzalov, Chủ tịch Trung tâm Chiến lược và Truyền thông Nga cho rằng, vấn đề không phải là Ukraine không có tiền, mà là do người dân không nộp tiền điện.
“Để trả tiền khí đốt cho Nga, ít nhất Ukraine cần có tối thiểu 1 tỷ euro. Rõ ràng là phải tìm ra số tiền này, kể cả vay Liên minh châu Âu. Trong bối cảnh hiện nay, cho dù chỉ phải trả 20% nợ thì Kiev cũng không lo đủ”, ông Abzalov nhận định.
Trong khi đó, theo tờ Financial Times của Anh, các công ty hàng đầu của châu Âu đang thuyết phục chính phủ không nên áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga với lý do căng thẳng ở Ukraine. Các doanh nghiệp lớn của châu Âu và Mỹ cũng lo ngại rằng trừng phạt kinh tế Nga trong các lĩnh vực dầu khí, tài chính sẽ gây ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng đối với phương Tây.
Trong số các công ty phản đối có các tập đoàn dầu mỏ lớn BP của Anh, BASF của Đức và ENI của Italy. ENI nói rằng châu Âu hiện đang mua 30% lượng khí đốt từ Gazprom nên sẽ không dám áp đặt các lệnh trừng phạt năng lượng nhằm vào Nga.
Cũng theo tờ Financial Times, các nước châu Âu hiện chưa đưa ra được quan điểm thống nhất về vấn đề trừng phạt kinh tế Nga, một quyết định đòi hỏi phải có sự đồng thuận của tất cả 28 nước thành viên EU.
CT (Theo VOR)