Eurozone có dấu hiệu rơi vào giảm phát

Ngày 7/1, Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu Eurostat công bố báo cáo cho thấy giá tiêu dùng tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 12/2014 đã giảm 0,2% so với một năm trước đó, lần đầu tiên rơi vào giới hạn tăng trưởng âm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.


Đây là mức giảm rất mạnh nếu nhìn vào tỷ lệ lạm phát 0,3% trong tháng 11/2014, làm dấy lên mối lo ngại giảm phát ở khu vực có 19 quốc gia châu Âu sau khi Litva gia nhập từ ngày 1/1/2015 này.


Ảnh minh họa



Sự sụt giảm nguy hiểm trên chủ yếu do giá dầu hạ và là nguyên nhân chính khiến giá cả trong Eurozone giảm. Giá năng lượng ở Eurozone đã giảm mạnh tới 6,3% trong tháng 12/2014, tức là giảm hơn 2,6% so với tháng trước đó. Còn số liệu ở các khu vực khác vẫn ổn định, giá thực phẩm, thuốc lá và hàng công nghiệp tăng nhẹ từ 0,7% trong tháng 11 lên 0,8% trong tháng 12, tuy vẫn không đạt mục tiêu tăng gần 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra trước đó. Xu hướng giá giảm kéo theo tâm lý trì hoãn chi tiêu, chờ đợi giá cả sẽ xuống mức có lợi hơn nữa, và dẫn đến tình trạng giảm phát. ECB đưa ra mối quan ngại trên cũng còn vì Eurozone đã không đạt mức tăng trưởng cao hơn kể từ sau khi tuyên bố thoát khỏi suy thoái hồi giữa năm 2013.


Số liệu của Eurostat cũng cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực này trong tháng 11/2014 vẫn ở mức 11,5%, không thay đổi so với tháng trước đó. Tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp tại Italy lại phá kỷ lục, tăng 0,2% lên 13,4% trong tháng 11/2014. Cao nhất trong đó là thất nghiệp trong thanh niên, lên tới 43,9%, tăng trung bình 2,4% trong năm ngoái. Bất chấp tuyên bố Chính phủ Italy sẽ làm tất cả để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng với ưu tiên hàng đầu trong năm 2015 là tăng cường cải cách, dự luật cải cách thị trường lao động của Thủ tướng Italy Matteo Renzi vẫn đang gây ra rất nhiều tranh cãi trên chính trường nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone này.


Điểm sáng trong bức tranh ảm đạm về tình hình kinh tế Eurozone trên là tỷ lệ thất nghiệp chính thức của Đức giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/1991, từ 6,6% trong tháng 11 xuống 6,5% trong tháng cuối cùng của năm ngoái nhờ yếu tố mùa vụ.


TTXVN/Tin Tức

Eurozone: Liệu có một cú sốc vẫn mang tên Hy Lạp?
Eurozone: Liệu có một cú sốc vẫn mang tên Hy Lạp?

Thủ tướng Litva Algirdas Butkevicius bước đến một máy ATM và rút tờ 10 euro, như một sự khẳng định đồng nội tệ lita chỉ còn trong hoài niệm. Cách đó 2.000 km, nhiều người Hy Lạp cũng “đếm ngược”, nhưng ở một khía cạnh đối lập: Còn bao ngày nữa nữa thì Athens sẽ rời Eurozone.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN