Chỉ số giá của FAO là “thước đo” theo dõi các mặt hàng thực phẩm được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu. Trong tháng 6, chỉ số này đạt 122,3 điểm, giảm so với mức 124 điểm đã sửa đổi của tháng 5.
Giá lương thực toàn cầu tháng 6 đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021, thấp hơn 23,4% so với mức cao nhất từ trước đến nay, ghi nhận vào tháng 3/2022, sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bắt đầu.
Theo FAO, chỉ số giá ngũ cốc giảm 2,1% trong tháng 6 so với tháng trước, với giá ngô, lúa mạch, lúa mì và gạo đều giảm. Chỉ số giá dầu thực vật giảm 2,4% so với tháng 5, chạm mức sàn kể từ tháng 11/2020, do giá dầu cọ và dầu hướng dương đều giảm sâu hơn so với mức tăng nhẹ của dầu đậu nành và dầu hạt cải.
Giá đường ghi nhận giảm 3,2% so với tháng trước, đánh dấu mức giảm lần đầu tiên sau 4 tháng tăng liên tiếp. FAO giải thích đây có thể là do vụ thu hoạch mía ở Brazil đang tiến triển tốt, đồng thời nhu cầu nhập khẩu đường toàn cầu hiện đang chững lại. Chỉ số giá sữa giảm 0,8% so với tháng 5, trong khi chỉ số giá thịt hầu như không thay đổi.
Trong một báo cáo riêng về nguồn cung và cầu của ngũ cốc, FAO dự báo sản lượng ngũ cốc thế giới năm nay sẽ đạt 2,819 tỷ tấn, tăng nhẹ so với ước tính tháng trước (2,813 tỷ tấn) và tăng 1,1% so với mức năm 2022. Đối với mặt hàng lúa mỳ, FAO cho biết có thể đạt triển vọng tốt hơn với 783,3 triệu tấn, tăng 0,9% so với năm ngoái.