Chỉ số giá của FAO - “thước đo” theo dõi giá cả các mặt hàng thực phẩm giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu, trong tháng 4 ở mức 127,2 điểm, tăng so với mức 126,5 điểm ghi nhận trong tháng 3. Chỉ số này hiện vẫn ở mức cao hơn 20% so với mức cao kỷ lục ghi nhận hồi tháng 3/2022, sau khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine - cuộc khủng hoảng địa chính trị tác động mạnh mẽ đến nguồn cung hàng hóa thế giới vốn khan hiếm sau dịch COVID-19.
Theo FAO, việc các mặt hàng như đường, thịt và gạo tăng giá trong tháng 4 đã bù đắp cho sự sụt giảm giá của các sản phẩm như ngũ cốc, dầu thực vật và chế phẩm từ sữa. Cụ thể, so với tháng 3, chỉ số giá đường trong tháng 4 tăng 17,6%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2011. Nguyên nhân do lo ngại nguồn cung thắt chặt tại Ấn Độ và Trung Quốc, cùng sản lượng thấp hơn dự kiến trước đó tại Thái Lan và Liên minh châu Âu (EU). Chỉ số giá thịt tăng 1,3% so với tháng 3, trong khi chỉ số giá các chế phẩm từ sữa giảm 1,7%, dầu thực vật giảm 1,3% và ngũ cốc giảm 1,7%.
Nhà kinh tế trưởng của FAO, ông Maximo Torero nhận định việc các nền kinh tế phục hồi hậu giai đoạn suy yếu sau đại dịch COVID-19 sẽ làm gia tăng nhu cầu, qua đó gây áp lực tăng giá thực phẩm. Ông bày tỏ quan ngại trước tình trạng giá gạo tăng và đề xuất gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm bình ổn hóa giá ngô và lúa mì.
Trong một báo cáo riêng về cung - cầu ngũ cốc, FAO dự báo sản lượng lúa mì thế giới năm 2023 vào khoảng 785 triệu tấn, thấp hơn một chút so với mức năm 2022 nhưng vẫn là mức cao thứ 2 từng được ghi nhận. Trong khi đó, FAO nâng dự báo sản lượng ngũ cốc thế giới lên 2,785 tỷ tấn, chỉ giảm 1% so với năm trước đó.
Báo cáo cho rằng triển vọng sản xuất lúa gạo phía Nam đường xích đạo niên vụ 2023/24 là khó đoán định do những tác động của hiện tượng thời tiết La Nina.