Chỉ số giá lương thực của FAO đạt trung bình 158,5 điểm trong tháng 4/2022, giảm 0,8% so với mức cao kỷ lục đạt được vào tháng Ba. Tuy nhiên, chỉ số theo dõi những thay đổi hằng tháng trong giá quốc tế của rổ hàng hóa thực phẩm thường được giao dịch này vẫn cao hơn 29,8% so với tháng 4/2021.
Chỉ số giá dầu thực vật của FAO đã giảm 5,7% trong tháng 4, giảm gần 1/3 mức tăng vào tháng 3/2022, do nhu cầu phân bổ đã đẩy giá dầu cọ, hướng dương và đậu nành xuống.
Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của FAO Máximo Torero Cullen cho rằng sự sụt giảm nhẹ của chỉ số này là một sự hỗ trợ đáng hoan nghênh, đặc biệt đối với các nước có thu nhập thấp bị thâm hụt lương thực, nhưng giá lương thực vẫn ở gần mức cao gần đây phản ánh sự thắt chặt thị trường kéo dài và đặt ra thách thức đối với an ninh lương thực toàn cầu đối với những người dễ bị tổn thương nhất.
Giá dầu thực vật và giá ngô giảm nhẹ sau đợt tăng gần đây, trong khi giá gạo, thịt, sữa tăng nhẹ và triển vọng thương mại toàn cầu vẫn mờ nhạt. Chỉ số giá ngũ cốc của FAO đã giảm 0,7 điểm trong tháng 4/2022, thúc đẩy giá ngô thế giới giảm 3%. Tuy nhiên, giá lúa mì thế giới tăng 0,2%, trong khi giá gạo thế giới tăng 2,3% so với mức tháng 3/2022 do nhu cầu mạnh từ Trung Quốc và khu vực Cận Đông.
Trong khi đó, chỉ số giá đường của FAO tăng 3,3%, do giá ethanol cao hơn và lo ngại về việc bắt đầu chậm vụ thu hoạch năm 2022 ở Brazil - nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới.
Chỉ số giá thịt của FAO tăng 2,2% so với tháng trước, lập mức cao kỷ lục mới khi giá thịt gia cầm, thịt lớn và bò tăng lên. Giá thịt gia cầm bị ảnh hưởng do gián đoạn xuất khẩu từ Ukraine và dịch cúm gia cầm gia tăng ở Bắc bán cầu.
Chỉ số giá sữa của FAO cũng tăng 0,9% do nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt kéo dài do sản lượng sữa ở Tây Âu và châu Đại Dương tiếp tục thấp hơn. Giá bơ thế giới tăng mạnh nhất do nhu cầu tăng cao liên quan đến tình trạng khan hiếm dầu hướng dương và bơ thực vật hiện nay.
Ước tính mới của FAO về dự trữ ngũ cốc thế giới vào cuối mùa vụ năm 2022 hiện ở mức 856 triệu tấn. Theo FAO, nếu được xác nhận, tỷ lệ dự trữ ngũ cốc trên toàn cầu sẽ không thay đổi ở mức “nguồn cung tương đối dễ chịu” là 29,9%. FAO vẫn dự đoán sản lượng lúa mì toàn cầu sẽ tăng vào năm 2022, lên 782 triệu tấn. Dự báo này bao gồm sự sụt giảm 20% diện tích thu hoạch dự kiến ở Ukraine, cũng như sự sụt giảm sản lượng do hạn hán ở Maroc.