G-20 ưu tiên tăng trưởng kinh tế và giảm rủi ro

Sau hai ngày làm việc, chiều 5/11, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) đã bế mạc tại thủ đô Mexico City với Thông cáo chung gồm 32 điểm, trong đó nhấn mạnh quyết tâm thực hiện các chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, xây dựng lòng tin và giảm thiểu các rủi ro đe dọa đà phục hồi của nền kinh tế.

 

Thông cáo chung bày tỏ quan ngại về tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn khiêm tốn và tiềm ẩn nhiều rủi ro đe dọa quá trình phục hồi do các nước châu Âu chậm trễ thực thi các tuyên bố chính sách mới đây, khả năng siết chặt chính sách tài chính tại Mỹ và Nhật Bản cũng như sự giảm tốc tại các nền kinh tế mới nổi. Các nhà lãnh đạo G-20 hối thúc Mỹ và châu Âu nhanh chóng giải quyết những khó khăn tài chính nhằm tránh đe dọa sự tăng trưởng chung của toàn cầu, đồng thời kêu gọi Nhật Bản tiếp tục củng cố tài chính trong trung hạn. Thông cáo chung nhấn mạnh Mỹ cần điều chỉnh một cách thận trọng tốc độ thắt chặt tài chính nhằm đảm bảo chính sách tài chính công được thực hiện theo hướng bền vững, trong khi tránh được sự sụt giảm ngân sách mạnh trong năm 2013.

 

Từ trái sang: Tổng thư ký Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD) Jose Angel Gurria, Bộ trưởng Tài chính Mexico Jose Antonio Meade và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Kim Jim Yung tại cuộc họp báo sau hội nghị ngày 4/11. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Liên quan đến vấn đề cắt giảm thâm hụt ngân sách, G-20 cam kết đảm bảo các chính sách tài chính công bền vững, phù hợp với những cam kết trung hạn, được G-20 đưa ra tại Hội nghị Toronto hồi năm 2010, đối với những nền kinh tế phát triển. Thông cáo nhấn mạnh trước kỳ họp thượng đỉnh tiếp theo, các nước phát triển sẽ nhất trí xác định các mục tiêu tỷ lệ nợ/tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cụ thể của các nước sau năm 2016, đồng thời đưa ra các chiến lược và lịch trình rõ ràng để đạt được mục tiêu trên.

 

Thông cáo chung lưu ý đến sự bất ổn của các dòng tài chính và các tỷ giá hối đoái hỗn loạn đã tác động bất lợi tới sự ổn định kinh tế và tài chính. Các nhà lãnh đạo tài chính G-20 cũng thể hiện quyết tâm thực hiện các cam kết hướng tới hệ thống hối đoái vận hành theo thị trường cũng như đảm bảo linh hoạt tỷ giá hối đoái, tránh tình trạng không thống nhất trong tỷ giá hối đoái và sự phá giá tiền tệ.

 

Tại hội nghị, giới lãnh đạo tham dự G-20 cũng khẳng định cam kết thực thi đầy đủ, đúng hạn và nhất quán chương trình quy định tài chính, đồng thời thực hiện các cải cách tài chính cần thiết. Thông cáo thể hiện quyết tâm của các nước trong việc đưa ra các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo thực thi hiệu quả và đầy đủ các thỏa thuận Basel 2; 2,5 và 3 dựa trên chuẩn mực quốc tế.

 

Phát biểu tại buổi họp báo sau đó, Bộ trưởng Tài chính và Tín dụng công (SHCP) Mexico Jose Antonio Meade khẳng định G-20 sẽ ưu tiên tìm kiếm mọi khả năng nhằm giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế tòan cầu. Cũng theo ông, tất cả các nước thành viên đã thống nhất tiếp tục nâng cao cảnh giác và giữ vững cam kết của mình nhằm tránh mọi rủi ro cản trở quá trình hồi phục kinh tế toàn cầu, đồng thời nhất trí tìm kiếm mọi đồng thuận cũng như tăng cường hợp tác chính trị và kinh tế giữa các khu vực trên toàn thế giới.

 

Về phần mình, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico, Augustin Carstens nhấn mạnh ý nghĩa của việc G-20 phát đi thông điệp tới Washington rằng quá trình điều chỉnh tài chính tại Mỹ đóng vai trò quan trọng đối với toàn thế giới, đồng thời bày tỏ hy vọng Quốc hội Mỹ sẽ tìm được sự đồng thuận chính trị hợp lý trước khi kết thúc năm 2012.

 

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde nhận định khó khăn lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu vẫn hiện hữu tại châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Theo bà, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới "ốm yếu" hiện nay, các nước cần phải cam kết áp dụng chính sách kinh tế hướng tới tăng trưởng cân bằng và tạo thêm việc làm nhiều hơn nữa. Bà cũng bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ hành động kịp thời trong việc điều chỉnh chính sách tài chính và mức trần nợ công nhằm đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế đầu tàu thế giới và sự phát triển của các nước khác.

 

Mexico là quốc gia mới nổi thứ hai làm chủ tịch luân phiên G-20, sau Hàn Quốc. Dự kiến, Hội nghị thượng đỉnh G-20 lần thứ 8 sẽ được tổ chức vào tháng 6/2013 tại thành phố Saint Petersburg của Nga, nước sẽ đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên trong năm sau.

 

 

TTXVN/Tin tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN