Xâm nhập mặn diễn ra trên địa bàn hai huyện Hòn Đất, Kiên Lương với tổng diện tích 1.598 ha; trong đó, huyện Hòn Đất chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 525 ha trồng lúa bị nhiễm mặn trên 70% trong tổng số 1.300 ha bị ảnh hưởng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, nguyên nhân là do trên địa bàn huyện Kiên Lương chủ yếu là các cống nhỏ, phân ranh vùng mặn - ngọt ở xã Bình Trị do địa phương quản lý chưa đảm bảo việc vận hành, một số người dân tự ý mở cửa cống để lấy nước mặn qua cống vào các kênh nội đồng để phục vụ nuôi trồng thủy sản. Đồng thời tại các khu vực này, tình hình sản xuất lúa, tôm đan xen, sử dụng chung kênh cấp, thoát nước.
Trên địa bàn huyện Hòn Đất, nhiều hộ nuôi tôm trong quá trình vệ sinh ao nuôi đã bơm xả nước mặn trong ao nuôi ra trực tiếp một số tuyến kênh gây nhiễm mặn cho khu vực lúa, tôm đan xen.
Tại xã Lình Huỳnh, gần 600 ha lúa Đông Xuân 2019 - 2020 bị ảnh hưởng do hạn mặn. Khoảng 300 ha lúa nhiễm mặn trên 70% bị mất trắng, ước thiệt hại khoảng 22 triệu đồng/ha.
Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Lình Huỳnh Lê Hoàng Anh cho biết, lãnh đạo xã đang tiến hành khảo sát mức độ thiệt hại để trình với cấp trên xem xét hỗ trợ thiệt hại cho người dân, mức hỗ trợ khoảng 2,2 - 2,3 triệu đồng/ha.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Đỗ Minh Nhựt cho biết, các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng hạn mặn đã triển khai gia cố, đắp mới các đập ngăn mặn theo thời vụ để bảo vệ lúa trong vụ Đông Xuân 2019 - 2020 và tiếp tục phòng, chống hạn mặn cho vụ Hè Thu 2020.
Tổng số đập đã đắp là 195 đập; trong đó, 2 đập bằng cừ thép Larsen (Kiên Lương 1, Rạch Giá 1) và 193 đập đất. Hiện đập cừ Larsen trên kênh Ông Hiển, xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành đã đắp hoàn thành, khép kín dòng vào ngày 28/2/2020 vừa qua.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tình trạng xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra gay gắt trong tháng 3/2020. Đặc biệt trong các ngày từ 7 - 15/3/2020 xâm nhập mặn khả năng ở mức cao nhất từ đầu mùa khô, mức xâm nhập mặn sẽ tương đương và cao hơn đợt mặn cao điểm giữa tháng 2/2020 và cùng kỳ tháng 3/2016, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang đôn đốc Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục theo dõi tình hình hạn, xâm nhập mặn để kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó; tuyên truyền, vận động người dân kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm tưới, tích trữ sử dụng nguồn nước một cách khoa học, tiết kiệm, hợp lý; khuyến cáo người dân không xuống giống vụ Xuân Hè, tập trung cho sản xuất vụ Hè Thu đúng lịch thời vụ nhắm tránh rủi ro do hạn, mặn gây ra trong đầu vụ.
Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp với Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Châu Thành, Giồng Riềng triển khai nhanh đắp đập tạm ngăn mặn trên kênh Chưng Bầu để ngăn mặn, giữ ngọt bảo vệ sản xuất và chủ yếu là nước sinh hoạt cho người dân.
Trước nguy cơ sạt lở trên tuyến đê bao ngoài Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông Kiên Giang đề nghị Chi cục Thủy lợi phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện U Minh Thượng theo dõi, quản lý chặt chẽ hệ thống cống, đập giữ nước; phát hiện và xử lý kịp thời tình huống sạt lở có thể xảy ra để hạn chế đến mức thấp nhất về thiệt hại cho sản xuất và cơ sở hạ tầng.
Chi cục Thủy lợi phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện U Minh Thượng thường xuyên kiểm tra, phát hiện và cắm biển cảnh báo ở các điểm có nguy cơ sạt lở, có phương án trực canh, phương tiện, vật tư để kịp thời ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”.