Tuy nhiên, các dấu hiệu về sự gia tăng nguồn cung dầu toàn cầu đã khiến giá dầu ngọt nhẹ giảm 4% trong tuần qua.
Giá dầu tăng trong hai phiên giao dịch đầu tuần, khi giới đầu tư dự đoán rằng những biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc sẽ làm tăng nhu cầu dầu thô của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Các dấu hiệu ngày càng rõ hơn về xuất khẩu dầu thô của Iran sụt giảm trước khi lệnh trừng phạt của Mỹ được tái áp đặt đối với lĩnh vực dầu mỏ của Iran, cũng như việc ngưng sản xuất một phần tại khu vực vùng Vịnh Mexico do cơn bão Michael, cũng góp phần hỗ trợ giá dầu.
Tuy nhiên, thị trường đã đảo chiều đi xuống ngay trong phiên giao dịch liền sau đó và giá dầu để mất hơn 2%, trước sự đi xuống của thị trường chứng khoán và báo cáo về lượng dự trữ dầu thô của Mỹ.
Từ đầu tháng Mười, lượng dầu xuất khẩu của Iran đã sụt giảm, khi các khách hàng mua dầu của nước này tìm kiếm nguồn cung thay thế trước khi lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực vào ngày 4/11 tới. Một số tổ chức giao dịch hàng đầu thế giới dự kiến các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran sẽ đẩy giá dầu lên cao và có thể giúp mặt hàng này vượt mốc 100 USD/thùng trong trung hạn. Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay, dự trữ dầu thô của nước này tăng 6 triệu thùng trong tuần trước (kết thúc ngày 5/10), cao hơn gấp đôi dự báo của giới phân tích là chỉ tăng 2,6 triệu thùng. Điều này cho thấy các nhà máy lọc dầu nước này vẫn tiếp tục hạn chế hoạt động sản xuất để bảo dưỡng định kỳ.
Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 12/10, giá dầu đảo chiều đi lên nhờ đà phục hồi của thị trường cổ phiếu. Tuy nhiên, mặt hàng này không tránh khỏi tuần giảm đầu tiên trong năm tuần qua.
Báo cáo hàng tháng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) được công bố ngày 11/10 cho biết, sản lượng dầu thô của OPEC và Nga đều tăng trong tháng Chín, nhiều hơn lượng dầu cần để bù đắp cho sự thiếu hụt sản lượng tại Iran trước khi các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành công nghiệp dầu mỏ nước này có hiệu lực. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng vừa công bố báo cáo hàng tháng cho hay, thị trường hiện đã đủ nguồn cung, đồng thời cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới trong năm nay và 2019 do triển vọng kinh tế yếu hơn, quan ngại về tình hình căng thẳng thương mại, nguy cơ giá dầu cao hơn và các số liệu kinh tế điều chỉnh của Trung Quốc.
Kết thúc phiên cuối tuần, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 11/2018 tăng 37 xu Mỹ (0,5%), lên 71,34 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 12/2018 cũng tăng 17 xu Mỹ (0,2%), lên 80,43 USD/thùng. Tuy vậy, tính chung cả tuần qua, giá dầu WTI mất khoảng 4%, còn dầu Brent lùi 4,4%.
Ngoài ra, số liệu từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cùng ngày cho biết, số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ trong tuần qua tăng 8 giàn, lên 869 giàn, sau khi giảm liên tiếp 3 tuần trước, đồng thời ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 10/8/2018.