Một cơ sở khai thác dầu tại thị trấn al-Buraqah, Libya. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đóng phiên này, tại New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 5/2018 hạ 18 xu Mỹ xuống mức ,29 USD/thùng sau khi có lúc tăng lên mức 69,56 USD/thùng, mức cao nhất kể từ phiên 28/11/2014. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ đã tăng 8% trong tám ngày giao dịch vừa qua.
Tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 6/2018 tăng 30 xu Mỹ lên 73,78 USD/thùng. Giá loại dầu này có lúc vọt lên mức 74,75 USD/thùng, mức cao chưa từng thấy kể từ phiên 27/11/2014 - ngày Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) quyết định bơm ra thị trường nhiều dầu nhất có thể để bảo vệ thị phần của khối này.
Hai nguồn tin thân cận cho biết theo Ủy ban Kỹ thuật Chung của OPEC và các nước nằm ngoài khối này, tình trạng dư cung dầu toàn cầu hầu như đã được loại bỏ. Kết quả này có được một phần nhờ thỏa thuận cắt giảm nguồn cung dầu do OPEC dẫn dắt. Ủy ban nhận định dự trữ dầu tại các nước phát triển trong tháng 3/2018 chỉ đứng ở mức 12 triệu thùng và trên ngưỡng trung bình trong 5 năm.
Đồng quan điểm này, Anthony Scott, Giám đốc điều hành tại BTU Analytics tại Denver, nhận định nhìn chung, cán cân cung-cầu hiện khá cân bằng.
Đường đi của giá dầu hiện còn phụ thuộc khá nhiều vào mối quan hệ giữa Mỹ và Iran, nhà sản xuất dầu lớn thứ ba của OPEC. Ngày 19/4, Iran cảnh báo Mỹ về những hệ quả "không dễ chịu" nếu Washington từ bỏ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) được ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ cùng với Đức).
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa rút khỏi thỏa thuận mà ông cho là "tồi tệ" này, đồng thời đã ra hạn chót vào ngày 12/5 cho Anh, Pháp, Đức để sửa đổi một số điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân 2015, hoặc ông sẽ từ chối tiếp tục nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran.