Nhận định trên được đưa ra sau khi giá dầu thô tăng vọt lên mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây là 82 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 25/9.
Theo PetroMatrix, nhịp độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi có thể bị ảnh hưởng không nhỏ, do giá dầu tăng mạnh làm gia tăng sức ép lạm phát, kéo lãi suất tăng theo. Khi đó, những nền kinh tế này buộc phải cắt giảm thuế, khiến thâm hụt ngân sách thêm phình to. Các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng chậm lại sẽ làm gia tăng thêm những thách thức kinh tế mà các nước, trong đó phải kể tới như Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina, phải đối mặt.
Trong khi đó, Mitsubishi UFJ Financial Group dự báo về khả năng xảy ra rủi ro hệ thống nếu giá dầu tăng lên 100 USD/thùng, ngưỡng mà tập đoàn tài chính này cho rằng có thể gây ảnh hưởng bất lợi lớn đến đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu cũng như làm gia tăng tỷ lệ lạm phát.
Trong tuần qua, dầu thô Brent Biển Bắc lên giá mạnh trước những tín hiệu rõ ràng cho thấy các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt không có ý định tăng sản lượng. Giới quan sát dự báo có thể tiếp tục gia tăng, chủ yếu do những mối quan ngại về tác động của các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với xuất khẩu dầu mỏ của Iran từ tháng 11 tới.
Sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hồi tuần trước khước từ đề xuất của Tổng thống Donald Trump về việc tăng sản lượng để kiểm soát đà lên giá của dầu thô, một số bên theo dõi thị trường dự báo giá dầu có thể chạm ngưỡng 90-100 USD/thùng vào cuối năm nay, trong bối cảnh nguồn cung hạn hẹp, nhu cầu ổn định, dự trữ dầu toàn cầu giảm và công suất dư thừa ít.
Tuy nhiên, sau khi giá dầu thô trong phiên giao dịch ngày 25/9 chạm ngưỡng 82 USD/thùng, một chuyên gia phân tích hàng đầu đưa ra nhận định rằng nếu giá dầu thô tăng lên 100 USD/thùng, mức cao chưa từng có kể từ tháng 9/2014, mức tăng nhu cầu dầu mỏ có thể bị triệt tiêu và nhu cầu dầu khi đó sẽ giảm mạnh.