Giá dầu ngọt nhẹ đã rơi xuống mức thấp nhất trong 8 tháng qua và áp sát ngưỡng 81 USD/thùng trong phiên 12/6 trên thị trường châu Á, trong bối cảnh sự sẵn sàng trợ giúp của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dành cho Tây Ban Nha vẫn không đủ để làm giới đầu tư bớt lo lắng về cuộc khủng hoảng nợ công đang leo thang trong khu vực này.
Chiều cùng ngày trên Sàn giao dịch điện tử Xinhgapo, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 7/2012 giảm thêm 70 xu xuống 82 USD/thùng. Đầu phiên, giá mặt hàng này có lúc chỉ còn 81,07 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 10/2012. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn tại Luân Đôn cũng giảm 40 xu xuống 97,60 USD/thùng.
Giá dầu thô đã bứt lên trong phiên giao dịch đầu tuần này, sau khi bộ trưởng tài chính 17 nước thành viên Eurozone đưa ra cam kết cho Tây Ban Nha vay 100 tỷ euro (125 tỷ USD) để hỗ trợ ngành ngân hàng nước này đang lâm nguy. Tuy nhiên, sau khi sự hưng phấn nhất thời về cam kết hỗ trợ Tây Ban Nha qua đi, thị trường lại chìm sâu trong nỗi lo về cuộc bầu cử cuối tuần này tại Hy Lạp, mà kết quả sẽ góp phần quyết định việc Hy Lạp đi hay ở lại với Eurozone.
Dầu thô xuống giá do nhu cầu sử dụng các chế phẩm giảm. Ảnh: Hoàng Hùng – TTXVN. |
Thêm vào đó, đồn đoán về khả năng Tổ chức các Nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ nâng hạn ngạch sản lượng cũng gây sức ép giảm giá lên mặt hàng dầu thô trên thị trường thế giới. Theo kế hoạch, OPEC sẽ nhóm họp ngày 14/6 tại Viên (Áo) để xem xét hạn ngạch sản lượng.
Bình luận thị trường của Công ty Phillip Futures cho rằng dầu thô giảm giá chủ yếu là do thị trường lo ngại rằng cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone sẽ lan sang các quốc gia khác, từ đó ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tại phương Tây.
Đêm trước tại Mỹ, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 7/2012 đã rơi xuống mức thấp nhất trong 8 tháng qua, còn 82,70 USD/thùng, giảm 1,4 USD so với phiên cuối tuần trước. Tại Luân Đôn, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng giảm 1,47 USD xuống 98 USD/thùng.
Như vậy, giá dầu đã giảm khoảng 24% từ mức 106 USD/thùng đầu tháng trước, trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại tại Mỹ, Trung Quốc và châu Âu.
Trang Nhung (Theo AFP)