Sau khi bất ngờ đi lên vào đầu tuần, giá dầu lại liên tiếp giảm sâu, giữa bối cảnh tình trạng nguồn cung dư thừa vẫn chưa được cải thiện và dư âm từ cuộc họp cuối tuần trước đó của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn còn đeo bám các nhà đầu tư.
Điểm sáng duy nhất của thị trường năng lượng trong tuần xuất hiện ngày 1/12, khi giá dầu thô tăng mạnh từ mức thấp nhất 5 năm qua. Theo các nhà phân tích, đây có thể chỉ là một sự điều chỉnh mang tính kỹ thuật sau khi “vàng đen” trượt giá 10 USD/thùng trong tuần trước đó.
Tuy nhiên, chỉ ngay trong phiên giao dịch sau đó (2/12), giá dầu thế giới lại giảm sâu sau khi Chính phủ Iraq và chính quyền khu tự trị người Kurd ở miền Bắc đạt được thỏa thuận về xuất khẩu dầu mỏ, làm gia tăng quan ngại về nguồn cung dầu hiện đang quá dồi dào trên thị trường thế giới.
Theo thỏa thuận sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2015 tới, mỗi ngày sẽ có 250.000 thùng dầu được xuất khẩu từ khu tự trị người Kurd và 300.000 thùng dầu được xuất khẩu từ tỉnh Kirkuk thông qua cảng biển Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ trên biển Địa Trung Hải. Thỏa thuận mới này có thể giúp đẩy sản lượng dầu khai thác hàng ngày của Iraq – trong tháng 11 ở mức 2,5 triệu thùng/ngày - vượt ngưỡng 3 triệu thùng/ngày.
Chịu sức ép từ cuộc họp mới nhất của OPEC, khi tổ chức này quyết định sẽ duy trì mức trần sản lượng dầu mỏ bất chấp tình trạng dư cung trên toàn cầu, “vàng đen” tiếp tục “tuột dốc” mạnh hơn nữa trong phiên giao dịch 3-4/12, sau khi Saudi Arabia tuyên bố giảm giá dầu xuất khẩu và không cắt giảm sản lượng. Riyadh quyết định giảm giá bán dầu thô giao tháng 1/2015 cho khách hàng tại thị trường châu Á và Mỹ, với lý do cần bảo vệ thị phần của mình trên toàn cầu.
Không nằm ngoài xu hướng trên, tới phiên giao dịch cuối tuần (ngày 5/12), dầu tiếp tục mất giá, do số tích cực từ thị trường việc làm của Mỹ đẩy đồng USD đi lên. Báo cáo mới nhất từ Bộ Lao động Mỹ cho hay, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm 321.000 việc làm trong tháng 11 vừa qua, mức tăng mạnh nhất trong gần ba năm qua, đồng thời vượt xa mức dự báo của giới phân tích là 230.000 việc làm. Thông tin này đã giúp đồng bạc xanh leo lên mức 1,2282 USD/euro và 121,52 yen/USD, song đây lại là nhân tố nhấn chìm giá dầu phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 5/12, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 12/2014 giảm 97 xu Mỹ, xuống 65,84 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 29/7/2009, khi giá dầu này chạm mức 62,90 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 1/2015 cũng hạ 57 xu, xuống 69,07 USD/thùng.
Giữa bối cảnh sản lượng khai thác dầu đá phiến ở Mỹ ngày càng tăng, cùng với sự cạnh tranh gay gắt từ lĩnh vực khí tự nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế yếu kém của các thành viên OPEC và nỗ lực nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại nhiều quốc gia trên thế giới, Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro của tập đoàn The Economist (Anh) dự báo rằng giá dầu sẽ tiếp tục giảm trong hai năm tới.
TTXVN/Tin tức