Ông Thạch Sa My tại ấp Chông Nô I, xã Hòa tân, huyện Cầu Kè cho biết, năm nào cũng vậy khi bước vào đầu tháng 7 âm lịch, các hàng quán, đại lý thu mua dừa sáp trong huyện bắt đầu gom hàng, tranh nhau tăng giá thu mua để phục vụ hàng ngàn du khách từ các nơi đến huyện Cầu Kè để dự lễ hội Vu Lan. Nhờ vậy, giá dừa sáp được thu mua tại vườn tăng từ 20.000 - 25.000 đồng/trái so với tháng 6 âm lịch.
Ông Thạch Sa My chia sẻ, thường dừa sáp được trồng 5 - 6 năm tuổi mới cho trái, nhưng nhờ trồng theo quy trình VietGAP, thực hiện phương pháp thụ phấn trợ lực nên chỉ 4 năm dừa cho trái, đạt tỉ lệ 5 - 7 trái sáp/ buồng, cao hơn 30 - 40 % so với cách trồng truyền thống. Cây dừa sáp ở từ 7 tuổi trở lên, một năm bình quân cho khoảng 120 - 150 trái với giá bán hiện thời thì mỗi cây dừa sáp cho thu nhập trên 10 triệu đồng/ năm.
Theo bà Ngô Thị Hồng Nghi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè, dừa sáp ở huyện Cầu Kè đã được chứng nhận đạt VietGAP và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận công nhận thương hiệu cho Hợp tác xã Dừa sáp Hòa Tân.
Đây là Hợp tác xã đầu tiên chuyên trồng dừa sáp ở tỉnh Trà Vinh được chứng nhận sản xuất thực hành nông nghiệp tốt. Nhờ vậy, dừa sáp Cầu Kè có được lợi thế về đầu mối thu mua, cung ứng ra thị trường các tỉnh, thành trong cả nước.
Đáng lưu ý, kể từ năm 2019 đến nay, nhiều cơ sở sản xuất bánh kẹo tại địa phương đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị để chế biến món mức dừa sáp độc đáo, với giá bán 400.000 đồng/kg, nhưng cung không đủ cầu. Đây là yếu tố lạc quan cho nhà vườn trong huyện Cầu Kè, mạnh dạn chuyển đổi diện tích vườn kém hiệu quả sang trồng dừa sáp nâng cao thu nhập.
Ngoài ra, chỉ trong vòng 5 năm nay, số lượng dừa sáp trong huyện được trồng mới khoảng 300.000 cây, nâng tổng số dừa sáp hiện có toàn huyện trên 410.000 cây; trong đó có khoảng 57.000 cây cho trái với sản lượng trái sáp đạt khoảng 2 triệu trái/năm.