Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ mở rộng diện tích trồng RAT lên đến 1.000 ha và đến năm 2030 đạt 1.900 ha; trong đó, hình thành các vùng chuyên canh có quy mô khoảng 600 ha. Theo đó, tổng sản lượng rau an toàn tăng lên khoảng 100 ngàn tấn, đáp ứng từ 50 - 60% nhu cầu tiêu thụ rau an toàn trong toàn tỉnh.
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Gia Lai đã triển khai thực hiện bằng các giải pháp đồng bộ để ngành rau trở thành một ngành phát triển theo hướng chuyên canh, mang lại thu nhập cao, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Trước hết, tỉnh coi trọng giải pháp về cơ chế chính sách nhằm đảm bảo cho người trồng RAT yên tâm và có đủ điều kiện cần thiết để gắn với nghề như chính sách đầu tư tín dụng, chính sách hỗ trợ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ rủi ro... Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, thuỷ lợi, hệ thống điện lưới... nhất là đối với với những vùng RAT trọng điểm có quy mô từ 20 ha trở lên.
Công tác thanh tra, giám sát RAT cũng được coi trọng, trên cơ sở xây dựng các nhóm nông dân sản RAT tự quản và tự giám sát lẫn nhau, khuyến khích thành lập các tổ chức độc lập giám sát và cấp giấy chứng nhận sản xuất, sơ chế, chế biến RAT theo tiêu chuẩn Viet GAP, khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất RAT tự đánh giá và giám sát nội bộ cùng giữ uy tín, thương hiệu cho nhau.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, mỗi địa phương cấp huyện, thị xã và thành phố thành lập tổ kiểm tra, giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng quy định, nhất là về việc sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật trên cây rau.
Theo kế hoạch tổng vốn đầu tư của dự án quy hoạch vùng sản xuất RAT tỉnh Gia Lai giai đoạn đến năm 2005 và tầm nhìn đến năm 2030 gần 1.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2016 - 2020 có trên 750 tỷ đồng (chiếm hơn 80% tổng vốn đầu tư).