Cụ thể, giá điện mặt trời áp mái sẽ được tính theo 2 chiều giao và nhận riêng biệt của công tơ. Bên bán điện sẽ thanh toán lượng điện nhận từ lưới điện theo quy định hiện hành. Còn bên mua thanh toán lượng điện từ dự án trên mái nhà phát lên lưới điện, với giá mua bán như với dự án điện mặt trời nối lưới. Giá này chưa bao gồm thuế, phí liên quan.
Các năm tiếp theo, giá mua bán điện sẽ được tính trên cơ sở tỷ giá trung tâm của VND/USD do Ngân hàng Nhà nước công bố vào ngày công bố tỷ giá cuối cùng của năm trước.
Trước đó, theo cơ chế tính giá bù trừ điện năng tại Quyết định 11/2017, trong một chu kỳ thanh toán, lượng điện phát ra từ các dự án trên mái nhà lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp. Khi kết thúc năm hoặc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện với giá bán như với dự án nối lưới.
Hàng năm, căn cứ vào tỷ giá trung tâm của VND/USD công bố vào ngày cuối cùng của năm trước, Bộ Công Thương ban hành giá mua bán điện mặt trời với dự án trên mái nhà cho năm tiếp theo.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán, nhu cầu điện năng hiện tăng 10% mỗi năm. Trong khi các nguồn điện đều gặp khó khăn thì điện mặt trời áp mái tại các hộ gia đình là một trong các giải pháp giúp giảm nguy cơ thiếu điện, phục vụ tiêu thụ điện tại chỗ.
Tại buổi công bố giá thành sản xuất và kinh doanh điện của EVN cuối năm 2018, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, nếu mỗi hộ gia đình lắp 3 - 5 KW điện mặt trời áp mái, với 1 triệu hộ lắp đặt thì sẽ tạo ra lượng điện 3.000 MW, con số không hề nhỏ.