Từ đầu năm đến nay, người tiêu dùng không khỏi băn khoăn, lo lắng vì giá sữa đã tăng thêm hai lần mỗi lần tăng ít nhất từ 7 - 10%. Đợt tăng gần đây nhất vào đầu tháng 9/2011 giá sữa đã tăng từ 10% đến 25% tùy loại. Điều đáng nói là việc tăng giá sữa không được doanh nghiệp thông báo công khai, minh bạch.
Khi mua sữa, người tiêu dùng băn khoăn vì giá sữa liên tục tăng. Ảnh (Nguồn Internet) |
Qua khảo sát thị trường Hà Nội, đợt tăng giá sữa lần này chủ yếu rơi vào nhóm sữa bột. Cụ thể, sữa Friesland Campina VietNam điều chỉnh tăng giá 4 - 15% tùy loại, các loại sữa bột Dutch Lady, Friso, Friso Gold, Friso Gold Mum đồng loạt tăng giá từ 5.400 đồng tới 81.000 đồng mỗi hộp. Cụ thể sữa bột Dutch Lady 123 hộp 900g giá 154.000 đồng/hộp (tăng 15.200 đồng/hộp); Friso Gold 1 hộp thiếc 900g giá 415.000 đồng/hộp (tăng 59.500 đồng/hộp), Friso Gold Mum hương cam 900g giá 327.700 đồng/hộp (tăng 57.500 đồng/hộp)... Tương tự, sữa Nestlé điều chỉnh tăng giá dòng sữa Lactogen từ 3 - 10%, hãng sữa Dumex tăng giá 10 - 13%. Ngoài ra, một số hãng sữa khác cũng thông tin là sẽ tăng giá trong thời gian tới. Theo các cửa hàng sữa, nguyên nhân chủ yếu của đợt tăng giá lần này do giá nguyên liệu đóng gói tăng từ 5 - 18%, một số nguyên liệu khác cũng tăng từ 11 - 54%, giá nhân công tăng nhiều…
Tuy nhiên, một nghịch lý là từ tháng 5 tới tháng 8, giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới giảm mạnh, thế nhưng giá thành phẩm trong nước vẫn không hạ. Cụ thể, giá sữa nguyên liệu thế giới trong tháng 8 tiếp tục giảm sâu so với tháng trước. Loại sữa bột ít béo hiện còn 3.350 USD/tấn, giảm 100 USD/tấn so với tháng 7; sữa bột béo (nguyên kem) giảm mạnh 200 USD/tấn, còn 3.700 USD/tấn. So với thời điểm đầu năm, giá sữa nguyên liệu trên thế giới đã giảm khoảng 30% (thời điểm tháng 2/2011, giá sữa nguyên liệu từ 4.500 đến 4.958 USD/tấn).
Tại một cửa hàng sữa trên phố Bạch Mai, khi hỏi về giá sữa, nhân viên cửa hàng cho biết: giá sữa đã tăng từ nhiều ngày nay, nhưng với khách hàng quen cửa hàng vẫn bán giá thấp hơn so với giá mới của công ty thông báo từ 15.000 đến 20.000 đồng/hộp, hoặc bán đúng giá hiện tại nhưng sẽ kèm theo quà khuyến mãi để thu hút người mua bởi hàng cũ vẫn còn tồn. "Nếu vài ngày nữa khách đến mua giá sẽ tăng lên ít nhất 18% đến 25%." - nhân viên cửa hàng này nói.
Còn về phía người tiêu dùng, chị Trần Thu Hà ở phố Hai Bà Trưng, có hai con nhỏ phải dùng sữa hằng ngày cho biết: cứ mỗi đợt mua sữa cho con lại thấy giá sữa tăng nên rất băn khoăn. Qua tham khảo một vài cửa hàng và siêu thị, chị |Hà thấy mỗi nơi giá sữa mỗi khác và thường chêch lệch từ vài nghìn đồng đến cả vài chục nghìn đồng mỗi hộp. Nhưng vì con nhỏ, một ngày không thể không có sữa nên chị đành chấp nhận mua.
Tương tự anh Ngọc Trần tại phố Tam Chinh, cho biết: "Ngay cả trong các hệ thống siêu thị hiện đại cũng có sự chệch lệch về giá khá rõ. Tuần vừa rôi tôi mua sữa EnfaMama cho vợ với hộp 900g ở siêu thị Tmart (đường Lĩnh Nam) giá 2 86 .000 đồng/hộp, nhưng khi sang đến siêu thị Bic C, hộp sữa cùng loại giá 312 .000/hộp."
Bà Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương cho rằng: người tiêu dùng luôn mong muốn giá cả hàng hóa phải hợp lý. Vì vậy, khi các doanh nghiệp tăng giá bán hàng cần phải có thông báo minh bạch, rõ ràng, đặc biệt là minh bạch các thành phần có trong sữa để người tiêu dùng lựa chọn phù hợp với nhu cầu.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ phụ nữ với tiêu dùng cho biết: sữa là một trong những mặt hàng thiết yếu của con người. Vì vậy, lý do của việc tăng giá sữa cần được thông báo đến người tiêu dùng. Để quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo, các cơ quan quản lý cần vào cuộc mạnh mẽ, kiểm soát giá chặt chẽ, không để các hãng sữa tăng giá tùy tiện.
Ngọc Trần