Ghi nhận tại một số ao nuôi đang thu hoạch, giá tôm thẻ được thương lái thu mua ở mức 90.000 đồng/kg loại 100 con/kg; 98.000 đồng/kg loại 80 con/kg; 118.000 đồng/kg loại 50 con/kg, cao hơn khoảng 15.000 -20,000 đồng mỗi kg so với thời điểm cách đây khoảng 2 tháng. Trong khi đó, tôm sú loại 40 con/kg giá 120.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giá 210.000 đồng/kg và loại 20 con/kg giá 320.00 đồng/kg. Theo dự đoán của các cơ sở thu mua tôm nguyên liệu, giá tôm nhiều khả năng sẽ còn tăng trong thời gian tới do nhu cầu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Giá tăng là một trong những yếu tố kích thích người nuôi cải tạo ao thả nuôi vụ mới. Tuy vậy, nhiều hộ nuôi vân đang rất dè dặt do e ngại thua lỗ. Tại huyện Đông Hải nơi có diện tích nuôi tôm theo mô hình siêu thâm canh công nghệ cao, tôm công nghiệp lớn nhất tỉnh Bạc Liêu, thời điểm này tại các ao nuôi vẫn khá trầm lắng. Thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hải, có đến 60 - 70% diện tích nuôi theo mô hình siêu thâm canh vẫn đang “treo ao”, chỉ có khoảng 30% ao có tôm. Đây là hệ quả của một thời gian khá dài giá tôm sụt giảm, làm cho người nuôi không dám mạo hiểm thả giống vì sợ thua lỗ.
Ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi tôm tỉnh Bạc Liêu cho biết, với sự sụt giảm sâu của giá tôm trong khi giá cả các mặt hàng thức ăn, trang thiết bị phục vụ quá trình nuôi liên tục tăng cao đã khiến nhiều hộ nuôi tôm không thể bám trụ và chọn cách “treo ao” như một giải pháp tất yếu. Chỉ những hộ nuôi tôm kích cỡ lớn, loại loại 20 con/kg, bán tôm ôxy (tôm sống bắt tại ao nuôi cho thở ôxy) thì mới có lãi. Trong khi đó, nếu là tôm ướp đá giá có tăng nhưng vẫn còn thấp, người nuôi không có lãi vì đa số do thiếu vốn nên mua nợ vật tư đầu vào từ đại lý với giá cao dẫn đến gia tăng chi phí đầu tư.
Ông Nguyễn Thanh Sang, hộ nuôi tôm công nghệ cao ở xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải cho biết, người nuôi tôm gặp rất nhiều khó khăn; trong đó, khó nhất vẫn là chi phí thức ăn, thuốc thú y thủy sản liên tục tăng cao. Trong khi đó, chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản khoảng 15.000 tỷ đồng được triển khai, nhưng đến nay người nuôi tôm rất khó tiếp cận vì đa phần bà con không đáp ứng đủ các điều kiện theo yêu cầu của ngân hàng.
Trong bối cảnh giá thức ăn, các loại thuốc thú y thủy sản phục vụ nghề nuôi tôm vẫn còn ở mức cao, để tiết kiệm chi phí, giúp người nuôi có lợi nhuận, ông Nguyễn Hoàng Xuân - Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Bạc Liêu cho rằng, người nuôi tôm cần tuân thủ những khuyến cáo về lịch thời vụ thả tôm của ngành chuyên môn; áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất.
Riêng trong nuôi tôm thâm canh, chi phí thức ăn chiếm hơn 50 - 60% tổng giá thành sản xuất, do đó người nuôi nên chọn loại thức ăn có chất lượng tốt, phù hợp với cỡ tôm, cân đối lượng thức ăn phù hợp với sản lượng tôm có trong ao để tránh cho ăn thừa, gây lãng phí và tốn chi phí xử lý nước.
Các hộ nuôi tôm cần lựa chọn con giống chất lượng tốt và sạch mầm bệnh trước khi thả nuôi để nâng tỷ lệ sống. Ông Nguyễn Hoàng Xuân cũng khuyến cáo người nuôi tôm tránh thu hoạch ồ ạt, thả nuôi với mật độ thưa, kéo dài thời gian nuôi để tăng kích cỡ tôm bán được giá cao. Cùng đó, hình thành các liên kết sản xuất theo chuỗi nâng cao giá trị ngành tôm.
Tỉnh Bạc Liêu hiện có gần 140.000 ha nuôi tôm, sản lượng đạt trên 300.000 tấn/năm, đứng thứ hai cả nước về diện tích cũng như sản lượng tôm nuôi. Kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2023 của tỉnh đạt 1 tỷ USD.