Tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ) vào lúc 13 giờ 56 phút giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.202,32 USD/ounce. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,3% lên 1.207 USD/ounce.
Mỹ và Trung Quốc đang lún sâu vào cuộc chiến thương mại sau khi Bắc Kinh bổ sung lượng hàng hóa trị giá 60 tỷ USD của Mỹ vào danh sách bị áp thuế để trả đũa việc Tổng thống Donald Trump hôm 17/8 thông báo kế hoạch áp thuế 10% đối với các sản phẩm và hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc vào ngày 24/9, và sau đó mức thuế trên sẽ tăng lên 25% vào đầu năm tới.
Các nhà đầu tư mua vào đồng USD với hy vọng rằng Mỹ ít thua thiệt hơn trong cuộc tranh chấp thương mại này. Chỉ số đồng USD, thước đo của đồng bạc xanh so với giỏ sáu đồng tiền chủ chốt, đã giảm 0,1% phiên này.
Theo Wang Tao, nhà phân tích kỹ thuật của hãng tin Reuters, giá vàng giao ngay có thể dao động trong ngưỡng 1.202 - 1.208 USD/ounce.
SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, cho biết lượng vàng do quỹ nắm giữ tiếp tục giảm 0,3 tấn xuống còn 742,23 tấn vào hôm 18/9.
Cũng trong phiên giao dịch 19/9, giá bạc giao ngay tăng 0,4% lên 14,18 USD/ounce, giá bạch kim tăng 0,6% lên 814,49 USD/ounce sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 13/8 là 820,20 USD/ounce vào đầu phiên giao dịch. Palladi tăng 0,2% lên 1.011,75 USD/ounce sau khi có lúc tăng lên 1.015,50 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 14/6.
Giá dầu châu Á đi lên trong phiên giao dịch chiều 19/9 khi những lo ngại rằng các nước sản xuất dầu có thể không bù đắp được lượng nguồn cung thiếu hụt một khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran có hiệu lực, mặc dù dự trữ dầu Mỹ gia tăng.
Tại Bắc Kinh, vào lúc 13 giờ 58 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 0,16 USD lên 79,19 USD/thùng sau khi đã tăng 1,3% trong phiên trước đó. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 0,20 USD (tăng 0,29%) lên 70,05 USD/thùng, sau khi tăng khoảng 1,4% trong phiên trước đó.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào lĩnh vực dầu mỏ của Iran sẽ có hiệu lực từ ngày 4/11. Tin tức cho hay các nước sản xuất dầu ở trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), bao gồm cả Nga, dự kiến họp vào ngày 23/9 tại Algeria để thảo luận về cách thức phân bổ lượng dầu cần tăng trong khung hạn ngạch sản lượng của họ để bù đắp cho khả năng nguồn cung dầu thiếu hụt từ Iran.
Dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 1,2 triệu thùng dầu lên 397,1 triệu thùng dầu trong tuần kết thúc vào ngày 14/9, theo Viện Dầu mỏ Mỹ (API). Dữ liệu dự trữ dầu chính thức của Mỹ dự kiến được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố vào ngày 19/9 (giờ địa phương).