Giá vàng biến động trái chiều trong phiên đầu tuần 25/11 khi giảm hơn 1% trên thị trường châu Á song lại tăng trên thị trường New York.
Diễn biến trái chiều này là do chứng khoán châu Á tăng điểm ấn tượng ngay trong phiên đầu tuần đồng USD mạnh lên làm giảm sức hấp dẫn của vàng sau khi Iran và Nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) đạt được một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Tehran giới đầu tư lo ngại về việc Mỹ sẽ sớm kết thúc các biện pháp kích thích kinh tế và lượng nắm giữ của quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust giảm mạnh nhất trong ba tuần qua. Trong khi đó, tại New York, do hợp đồng giao tháng 12/2013 sắp hết hạn giao dịch nên hoạt động mua vào được đẩy lên, qua đó giá vàng cũng tăng lên.
Sang phiên 26/11, giá vàng trên thị trường châu Á được đưa lên ở gần mức cao nhất trong vòng một tuần là 1.256,49 USD/ounce, chủ yếu nhờ sự phục hồi sau khi đã giảm xuống quá thấp. Cùng ngày tại Mỹ, giá vàng lại để mất gần 1% và đóng phiên ở mức 1.241,40 USD/ounce, sau khi Mỹ công bố số liệu tích cực về thị trường nhà đất, theo đó trong tháng Mười, lượng giấy phép cấp cho các dự án xây dựng nhà ở mới đã tăng 6,2% so với tháng Chín, lên 1,03 triệu căn.
Đây là số lượng giấy phép xây dựng nhà ở mới tăng mạnh nhất ở Mỹ kể từ tháng 6/2008, cao hơn cả mức dự báo 930.000 căn của các chuyên gia. Mức tăng này cũng cao hơn mức tăng 5,2% trong tháng Chín và tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là lần thứ hai kể từ giữa năm 2008, lượng đơn cấp phép xây nhà mới vượt ngưỡng 1 triệu căn.
Bên cạnh đó, giá nhà trong tháng Chín tại 20 thành phố lớn của Mỹ cũng đã tăng 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái, và cũng là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/2006. Những số liệu khả quan trên càng làm dấy lên những đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm "thu hồi" chương trình nới lỏng định lượng (QE3), qua đó gây sức ép lên giá vàng.
Phiên 27/11, giá vàng vẫn diễn biến trái chiều, bật tăng tại thị trường châu Á nhờ sức mua mạnh mẽ từ Trung Quốc, song lại giảm tại Mỹ do một loạt số liệu kinh tế tích cực, trong đó có lượng đơn xin trợ cấp thất trong tuần kết thúc ngày 22/11 giảm tuần thứ hai liên tiếp, khiến giới đầu tư lại lo ngại rằng với các dữ liệu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, FED có thể sẽ sớm thúc đẩy kế hoạch giảm dần quy mô chương trình mua 85 tỷ USD trái phiếu hàng tháng, chương trình giúp gia tăng sức hấp dẫn của vàng vốn được coi như công cụ chống lạm phát. Phiên này tại Mỹ, giá vàng đã có lúc rớt xuống 1.227,34 USD/ounce - mức đáy của bốn tháng rưỡi qua.
Phiên 28/11, giá vàng vẫn tăng trên thị trường châu Á nhờ lực mua từ Trung Quốc. Theo hãng tin Reuters, lượng vàng 99,99% giao dịch tại thị trường Thượng Hải trong phiên 28/11 đã lên tới 18,3 tấn, mức cao nhất kể từ 8/10. Phiên này, thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Tạ ơn. Sang phiên cuối tuần 29/11, thị trường Mỹ mở cửa trở lại sau ngày nghỉ lễ Tạ ơn đón giá vàng phục hồi do nhà đầu tư tích cực săn vàng giá rẻ sau khi kim loại quý đã giảm xuống mức đủ hấp dẫn.
Trước đó, trên thị trường châu Á, giá vàng vẫn giảm và hướng tới một tháng rớt giá mạnh nhất kể từ tháng 6/2013. Đóng cửa phiên 29/11 tại sàn COMEX (New York), giá vàng giao tháng 2/2014 tăng 12,5 USD (tương đương tăng 1,01%) lên 1.250,4 USD/ounce. Tuy nhiên, tính chung cả tháng 11, giá vàng đã để mất gần 6,5% - đánh dấu tháng giảm mạnh nhất của giá vàng kể từ mức sụt giảm 12,2%/tháng trong tháng Sáu vừa qua. Còn tính từ đầu năm tới nay, giá vàng đã "bốc hơi" hơn 25%. Kim loại quý cũng đang đối mặt với năm mất giá đầu tiên trong vòng 13 năm qua.
Trong ba tuần trở lại đây, giá vàng liên tục nằm dưới mốc 1.300 USD/ounce. Kinh tế Mỹ phục hồi khiến nhà đầu tư vội vã bỏ rơi vàng để tìm đến với các tài sản có mức sinh lời cao hơn, như chứng khoán. Trong khi đó, bồi thêm cho cú rơi của giá vàng còn là việc giới đầu tư ngày càng nghiêng nhiều hơn về dự đoán FED sẽ sớm đặt dấu chấm cho chính sách nới lỏng tiền tệ trong thời gian gần.
Theo các nhà phân tích, thống kê về tình hình việc làm ở khu vực phi nông nghiệp của Mỹ - dự kiến được công bố vào đầu tháng 12 này - có thể sẽ là một cú đẩy thêm nữa khiến giá vàng tiếp tục lao dốc. Những thống kê kinh tế đã trở thành nhân tố chính chi phối giá vàng, do tương lai của chương trình kích thích tiền tệ của Mỹ phụ thuộc vào sức phục hồi của nền kinh tế này.
Trong một thông tin có liên quan, lượng vàng do quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust nắm giữ giảm 5,7 tấn trong phiên 27/11 xuống 843,21 tấn - mức thấp nhất kể từ đầu năm 2009. Thống kê này cho thấy vàng đang ngày càng kém ánh lấp lánh vốn có của nó trong các kênh đầu tư.
Thùy Chi