Trong phiên giao dịch 12/11, giá vàng tại thị trường châu Á giảm xuống dưới ngưỡng 1.300 USD/ounce, gần mức thấp nhất trong 3 tuần rưỡi, trong bối cảnh các nhà đầu tư vẫn "băn khoăn" về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thu hẹp chương trình kích thích kinh tế.
Tại thị trường châu Á, giá vàng giảm xuống dưới ngưỡng 1.300 USD/ounce. Ảnh minh họa |
Vào lúc 7 giờ 26 phút giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại Singapore giảm 0,1% xuống 1.281,56 USD/ounce. Giá vàng chịu sức ép kể từ tuần trước sau khi Mỹ công bố các số liệu tích cực về nền kinh tế.
Tại châu Á, việc giá vàng giảm xuống dưới 1.300 USD/ounce vẫn không thể thúc đẩy nhu cầu mua vàng. Theo các nhà phân tích, người mua đang đứng ngoài thị trường chờ đợi giá giảm sâu hơn. Trước tình hình này, ngân hàng BNP Paribas đã hạ dự báo về triển vọng giá vàng trong năm 2014 xuống 1.095 USD/ounce, so với mức 1.155 USD/ounce trước đó.
Trong phiên 11/11, giá vàng tại Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong gần 1 tháng, trước đồn đoán kinh tế Trung Quốc tăng trưởng vững hơn sẽ khiến Bắc Kinh thắt chặt chính sách tiền tệ và FED sẽ rút dần chương trình nới lỏng định lượng (QE3). Phiên này, giá vàng giao ngay có thời điểm rơi xuống 1.278,94 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 17/10, còn giá vàng giao tháng 12/2013 tại sàn COMEX giảm 3,50 USD và đóng cửa ở mức 1.281,10 USD/ounce.
Cùng ngày, giá dầu thế giới đi lên, sau khi cuộc đàm phán tại Geneva (Thụy Sỹ) nhằm thuyết phục Iran kiềm chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này đã kết thúc mà không đạt được một thỏa thuận nào. Cụ thể, giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng 12/2013 tăng 54 xu và đóng cửa ở mức 95,14 USD/thùng; còn giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn tăng 1,28 USD lên 106,40 USD/thùng.
Các cuộc đàm phán giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) tại Geneva diễn ra từ 7-9/11 đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào để giải tỏa những lo ngại của các nước phương Tây về khả năng Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Song, ngày 11/11, Giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran Ali-Akbar Salehi tuyên bố Iran và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã đạt được thỏa thuận về một "lộ trình hợp tác" nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn đọng liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran. Các chuyên gia nhận định sau nhiều năm đàm phán, các bên đang tiến gần đến việc đạt được một thỏa thuận, vốn sẽ đưa dầu của Iran trở lại thị trường và có thể gây sức ép lên giá dầu.