Với đường bay Hà Nội - Phú Quốc, giá vé đã bao gồm thuế phí của Vietnam Airlines khoảng 6 - 7 triệu đồng/khứ hồi vào cuối tuần. Nếu chọn giờ sáng sớm, tối muộn hoặc trong tuần, giá vé cũng không dưới 5 triệu đồng. Với cùng chặng bay, ngày bay, giá vé của Vietjet Air, Bamboo Airways rẻ nhất khoảng 3 triệu đồng/khứ hồi và đắt nhất khoảng 5 - 6 triệu đồng/khứ hồi.
Với chặng bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, hành khách phải chi trả cho giá vé khứ hồi từ 4 - 5 triệu đồng. Rẻ nhất là các chuyến bay đêm của Vietjet Air khoảng 3 - 3,5 triệu đồng/khứ hồi. Ngoài ra, khách hàng có thể lựa chọn chuyến bay của Vietravel Airlines với giá 3,5 - 4 triệu đồng/khứ hồi để bay vào thời gian hợp lý, thuận tiện hơn.
Trong bối cảnh này, một số ý kiến đề xuất có thể “nới” trần giá vé máy bay nội địa để bảo đảm hành khách không phải mua giá vé máy giá cao hiện nay.
Về phía các hãng hàng không, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho rằng, giá vận chuyển hàng không nội địa đang thực hiện Thông tư 7/2019/TT-BGTVT ngày 3/5/2019 của Bộ Giao thông Vận tải ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Tại thời điểm này, giá trần vé máy bay nội địa được xây dựng trên cơ sở giá nguyên liệu xăng, dầu 80 USD/thùng, trong khi đó, giá nguyên liệu suốt thời gian vừa qua neo ở mức khoảng 160 USD USD/thùng.
Đại diện Vietnam Airlines cho rằng, mức giá này rất cao so với thời điểm xây dựng giá trần vé máy bay nội địa trước đây. Vậy nên, đề xuất "nới" trần giá vé máy bay sẽ phản ánh thực tế giá nguyên liệu hiện không phù hợp; đồng thời, phản ánh đầy đủ sự cạnh tranh trên thị trường vận tải hàng không nội địa. Giá vé sẽ được điều tiết bởi chính các hãng tham gia thị trường này, từ đó giúp cho các hãng nới biên độ dao động của giá để có thêm cơ hội khai thác và phục vụ hành hàng ở nhiều phân khúc.
Về lo ngại cho rằng các hãng có thể “bắt tay” tăng giá khi “nới” trần giá vé, đại diện Vietravel Airlines nhận định khó có thể xảy ra việc này, vì doanh nghiệp phải cạnh tranh thu hút khách hàng bằng chất lượng và giá cả dịch vụ; trong đó, có giá vé máy bay. Nếu đẩy vé giá cao, khách đã không bay, hãng cũng khó mà tồn tại.
Ở góc độ các chuyên gia, TS. Lê Đăng Doanh đồng tình với việc nên điều chỉnh giá trần vé máy bay cho phù hợp với diễn biến của thị trường xăng dầu.
Trong khi đó, các chuyên gia hàng không đánh giá, giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa đang được thực hiện theo cơ chế giá linh hoạt. Việc điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa về mức như thời điểm 2014 không đồng nghĩa với việc các hãng hàng không đồng loạt tăng giá vé.
Ngược lại, chính sách sẽ tạo điều kiện cho các hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, giãn biên độ giữa các mức giá vé, đưa thêm nhiều chương trình, chính sách giá phù hợp, tăng cường các mức giá vé rẻ nhằm kích cầu.
Trước đó, tại thời điểm cao điểm 30/4 – 1/5 vừa qua, khi giá nhiên liệu Jet A1 tăng 130 USD mỗi thùng (gần gấp đôi năm 2021), Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất "nới" trần giá vé máy bay để tháo gỡ một phần khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam.
Theo kiến nghị của Cục Hàng không Việt Nam về việc điều chỉnh mức giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa, giá vé bay có mức tăng từ 2,2 đến 6,6% tùy theo các chặng bay.
Cụ thể, đối với cự ly từ 500 đến 850 km, giá trần hiện là 2,2 triệu đồng thì mức đề xuất mới là 2,25 triệu đồng (tăng 2,2%); cự ly từ 850 đến 1.000 km, giá hiện 2,79 triệu đồng, mức đề xuất tăng 2,89 triệu đồng (tăng 3,5%); cự ly từ 1.000 đến 1.280 km, giá trần hiện là 3,2 triệu đồng, mức đề xuất là 3,4 triệu đồng (tăng 6,2%); cự ly từ 1.280 km trở lên giá trần hiện 3,75 triệu đồng, mức đề xuất tăng lên 4 triệu đồng (tăng 6,6%).
Hiện nay giá trần vé máy bay được áp dụng từ năm 2015. Tháng 9/2015, khi giá nhiên liệu Jet A1 khu vực châu Á giảm, Cục Hàng không Việt Nam đã điều chỉnh giảm trần giá vé máy bay khoảng 3,5%.