Đây là thông tin được đại diện Bộ Công Thương chia sẻ tại Hội nghị điện khí hóa Việt Nam 2019 được tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, ngày 28/3.
Ông Phan Thế Anh, Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Công Thương cho hay, động lực trong việc phát triển nguồn tiêu thụ năng lượng tại Việt Nam bắt nguồn từ sự phát triển công nghiệp, đô thị hóa ồ ạt. Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng năng lượng trong các khu dân cư tăng và việc áp dụng những hệ thống giao thông cơ giới cũng là một trong những nguyên nhân cần phát triển nguồn tiêu thụ năng lượng.
Cụ thể, dự báo nhu cầu năng lượng sẽ tăng hơn 10% mỗi năm từ nay đến hết năm 2020 và 8% từ năm 2021 – 2030. Bên cạnh đó, vào năm 2030 nhu cầu điện sẽ tăng lên từ 572 – 632 TWh so với năm 2010 là 86 TWh. Do đó, để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, Việt Nam sẽ cần 60.000 MW điện năng vào năm 2020; 96.500 MW (năm 2025) và 129.500 MW (năm 2030).
Việt Nam được đánh giá có nguồn năng lượng đa dạng, từ các nguồn như than đá, dầu, khí tự nhiên, thủy điện cho đến những nguồn năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, gió và sinh khối). Hiện thủy điện và than đá đang dẫn đầu về số lượng so với các tài nguyên khác, tiếp tục là nguồn cung cấp điện ngắn hạn và chính yếu của Việt Nam.
Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, Chính phủ Việt Nam gần đây đã sửa đổi kế hoạch phát triển nguồn năng lượng, nhằm tăng sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo. Điều này, giúp giảm thiểu sự chênh lệch giữa quá trình cung và cầu. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng xác định phát triển ổn định và bền vững nguồn năng lượng là vấn đề quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Mặt khác, Việt Nam đang tìm kiếm những nhà đầu tư lâu dài và có trách nhiệm, không chỉ đảm bảo phát triển, mà còn nhanh nhạy với thị trường để cùng hợp tác bền vững; trong đó, Việt Nam cam kết cung cấp thông tin về cơ chế chính sách, luật và quy định đối với lĩnh vực đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Vỹ, Phó chủ tịch, kiêm Trưởng ban thư ký thường trực Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho biết, hiện nay có nhiều tổ chức nước ngoài đang hỗ trợ Việt Nam đánh giá về tiềm năng phát triển nguồn năng lượng, cũng như triển khai các dự án tiềm năng. Qua cơ chế chính sách đã ban hành của Chính phủ Việt Nam, rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến thị trường này; trong đó, một số nhà đầu tư đã khẩn trương hoàn thiện dự án để hưởng ưu đãi về chính sách đầu tư trong phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió…
Theo ông Đào Quốc Vũ, đại diện Cục điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), thị trường kinh doanh nguồn điện cạnh tranh mới khởi động và có chiến lược thu hút đầu tư trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nên cơ hội đồng hành cùng thách thức. Tín hiệu tích cực là nâng cao nhận thức của các thành viên, tạo động lực cho các nhà máy cải thiện khả năng đáp ứng cung cầu thị trường để tìm giải pháp cho thu hút đầu tư. Hệ thống pháp lý cho thị trường kinh doanh nguồn điện cạnh tranh ngày càng đã trở nên đảm bảo minh bạch và theo thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, muốn khai thác tiềm năng năng lượng tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, phải có giải pháp mới thu hút đầu tư, cải thiện hiệu suất năng lượng từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, cũng như có khả năng xuất khẩu năng lượng và nâng cấp cơ sở hạ tầng về điện. Song song đó, thu hút đầu tư vào thị trường năng lượng Việt Nam cần tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và năng lượng mới.