Đây là khẳng định của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn tại Hội thảo "Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen" diễn ra tại Hà Nội ngày 18/7.
Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn cho biết, quy mô thị trường tín dụng tiêu dùng toàn cầu đã tăng trưởng mạnh, đạt khoảng 11.000 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến đạt 15.000 tỷ USD trong 5 năm tới. Tại Việt Nam, hoạt động tín dụng tiêu dùng đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô dư nợ, số lượng tổ chức tín dụng tham gia và mức độ đa dạng về sản phẩm, dịch vụ. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống và tiêu dùng tại Việt Nam hiện đã đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế
Tuy nhiên, hoạt động tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn nêu rõ, tình trạng tội phạm lợi dụng mạng xã hội, tổ chức các nhóm truyền bá cách thức không trả nợ, cùng với sự xuất hiện của các công ty lừa đảo đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động tín dụng tiêu dùng và sự phát triển ổn định của thị trường này.
Bà Mai Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, cho rằng nhu cầu vay vốn tiêu dùng cấp bách thường khó chứng minh mục đích sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Khách hàng của các công ty tài chính thường là người lao động có thu nhập thấp hoặc trung bình, không có tài sản thế chấp và chưa có lịch sử tín dụng, dẫn đến rủi ro tín dụng cao và lãi suất cho vay cao hơn. Điều này tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu và làm khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc thu hồi nợ.
Ngoài ra, một bộ phận người dân, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa, chưa tiếp cận đầy đủ thông tin, vẫn tìm đến các đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen thông qua hình thức biến tướng của các tổ chức tài chính tiêu dùng không được cấp phép. Điều này dẫn đến nhiều tranh chấp và ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của các công ty tiêu dùng và tổ chức tín dụng.
Chưa dừng lại ở đó, các tổ chức tín dụng còn gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ do không liên lạc được với khách hàng, xác định nơi cư trú, nơi làm việc của khách hàng; xuất hiện tình trạng tội phạm mạng lợi dụng môi trường mạng xã hội, tổ chức nhiều hội nhóm kín, đăng tải các bài viết, video lôi kéo, hướng dẫn cách “bùng nợ” khi vay qua ứng dụng của các ngân hàng, công ty tài chính khiến không ít khoản vay bị chuyển nhóm nợ xấu, nợ khó đòi.
Thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển. Để khai thác tiềm năng này và giải quyết các thách thức hiện tại, các đại biểu và chuyên gia tại hội thảo đã đề xuất một số giải pháp.
TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, đề xuất các tổ chức tín dụng nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng dịch vụ và quản trị rủi ro. Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp giữa các tổ chức tín dụng và các cơ quan hữu quan nhằm chia sẻ kinh nghiệm về quản trị rủi ro, cảnh báo và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.
Các bộ, ngành và địa phương cũng cần tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm tín dụng đen.
Theo báo cáo của 16 tổ chức tín dụng có dư nợ cho vay tiêu dùng lớn, hiện có hơn 30 sản phẩm tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng đang được triển khai. Một số chương trình tín dụng tiêu dùng với lãi suất và thời gian vay ưu đãi bao gồm gói 20.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) hay gói tín dụng tiêu dùng 20.000 tỷ đồng của HD Saison và FE Credit cho khách hàng là công nhân lao động...