Liên quan đến đánh giá của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước về nội dung: “Cầu Sông Cấm thi công một dầm “T” không đảm bảo kích thước hình học theo thiết kế, nên khi lắp đặt bị vượt cao độ khoảng 5 cm so với các dầm còn lại”, Ban Quản lý dự án 2 cho biết, do đặc điểm cầu chéo góc 60 độ, không sử dụng bản mặt cầu đổ tại chỗ và không sử dụng lớp bê tông tạo phẳng mặt cầu. Trong quá trình chế tạo phiến dầm này, chiều dày bản cánh của dầm cánh T lớn hơn so với chiều dày thiết kế và độ dốc ngang thực tế chưa tới độ dốc ngang yêu cầu là 2%.
Đại diện nhà thầu, tư vấn, giám sát bàn phương án thi công dự á. Ảnh: Tiến Hiếu/Báo Tin Tức |
Trong quá trình thi công, giám sát, đơn vị tư vấn và nhà thầu đã đánh giá dầm cầu đảm bảo khả năng chịu lực theo thiết kế và đưa ra giải pháp khắc phục độ bằng phẳng, khả năng thoát nước nhằm đảm bảo mặt cầu sau khi thảm bê tông nhựa đáp ứng yêu cầu về độ bằng phẳng.
Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện (cầu vượt biển dài nhất Việt Nam) có tổng chiều dài toàn tuyến là 15,63 km, bao gồm 5,44 km cầu vượt biển, phần đường dẫn dài 10,19 km đi qua địa bàn quận Hải An và huyện Cát Hải của TP Hải Phòng. Dự án thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ. Tổng mức đầu tư của dự án là 11.849 tỷ đồng. |
Để khắc phục, tư vấn, nhà thầu sẽ sử dụng vữa Sika grout 214-11 để bù vênh vị trí chênh cao độ sau khi đã kiểm toán đánh giá đảm bảo yêu cầu tải trọng; thi công thử với chiều dài 3 m theo phương dọc cầu để đảm bảo thoát nước, tạo nhám bề mặt vữa, khi đạt yêu cầu tiến hành thi công đại trà, bù vênh cho phiến dầm nêu trên và thảm lớp bê tông nhựa mặt cầu theo thiết kế. Ban Quản lý dự án 2 có trách nhiệm sửa chữa mọi sai sót kỹ thuật trước khi dự án thông xe kỹ thuật.
Về việc vị trí mối nối các đốt dầm SBS được làm kín bằng keo Epoxy có hiện tượng thấm nước và hiện tại nước đọng trong lòng dầm hộp, Ban Quản lý dự án 2 đã tiến hành kiểm tra hiện trường và đã có văn bản yêu cầu tư vấn giám sát, liên danh nhà thầu phối hợp kiểm tra toàn bộ các vị trí mối nối đốt dầm SBS được làm kín bằng keo Epoxy. Theo kết quả kiểm tra, có 15/1.330 vị trí có hiện tượng bị thấm nước.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này do trong quá trình thi công keo Epoxy giữa 2 đốt dầm, trước khi bôi keo nhà thầu tiến hành làm sạch bề mặt bê tông để đảm bảo không có khoảng hở giữa 2 đốt dầm. Tuy nhiên, tại một số vị trí mối nối, trong quá trình thi công bề mặt keo bị bám bụi bởi gió thổi mạnh, dẫn đến sau khi gắn kết các đốt dầm vẫn còn các hạt bụi tồn tại trong mối nối làm cho mối nối bị thấm nước vào trong lòng dầm hộp.
Ban Quản lý dự án 2 hiện đã tiến hành bơm keo Epoxy đông cứng chậm để làm kín, đồng thời vệ sinh thoát nước trong lòng dầm hộp và đã sửa chữa xong 5/15 vị trí. Đảm bảo khắc phục hoàn toàn trước ngày 20/7/2017.
Về nội dung: “Chất lượng thi công lớp BTN C12,5 trên mặt cầu (cầu Đình Vũ – Cát Hải) có độ bằng phẳng không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, thi công mối nối dọc chưa tốt; bề mặt tồn tại nhiều vệt lu lốp; một số vị trí bề mặt BTN rời rạc, độ rỗng lớn. Đối với các vị trí gồ ghề cục bộ và các vị trí có độ gồ ghề không lớn, Ban quản lý dự án 2 đã tiến hành thi công thử với biện pháp sử dụng lu lốp 25 tấn lu theo phương ngang cầu khi điều kiện trời nắng nóng. Kết quả cho thấy, độ bằng phẳng đã được cải thiện rõ rệt và đáp ứng được yêu cầu theo tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án.
Riêng đối với một số vị trí móng đường cấp phối đá dăm (bên phía Cát Hải) có biểu hiện phân tầng, bề mặt rời rạc, Ban Quản lý dự án 2 khẳng định, tư vấn giám sát và nhà thầu đã tiến hành kiểm tra và thí nghiệm xác định lại thành phần cấp phối và kiểm tra lại độ chặt. Tại vị trí không đảm bảo kỹ thuật (Km10+850-Km10+920, trái tuyến), tư vấn giám sát đã lập biên bản yêu cầu nhà thầu bóc bỏ và thay thế...
Ban Quản lý dự án 2 cam kết yêu cầu tư vấn giám sát, nhà thầu nghiêm túc chấn chỉnh, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị có liên quan trong quá trình thi công để dẫn đến những hạn chế, tồn tại nêu trên.