Đây được xem là động thái “tiếp sức” cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa bị ảnh hưởng bởi COVID-19 duy trì sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Cuối tháng 9/2020, Chính phủ chính thức triển khai Nghị định 114/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Nghị quyết 116/2020 của Quốc hội khóa XIV về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Theo đó, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.
Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP Hồ Chí Minh, việc giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có doanh thu không quá 200 tỷ đồng trong năm 2020 có ý nghĩa rất lớn đối với các doanh nghiệp trong ngành cơ khí - điện.
Dù đại dịch COVID-19 tác động đến ngành cơ khí - điện không mạnh mẽ như ngành du lịch, dịch vụ, tuy nhiên ảnh hưởng gián tiếp lên ngành cũng không nhỏ. Thị trường tiêu thụ nội địa giảm mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, nhiều đơn hàng bị hủy… đã khiến doanh thu của các doanh nghiệp ngành cơ khí - điện giảm mạnh từ 10 - 20% so cùng kỳ năm 2019 trong 9 tháng năm 2020. Trong khi đó, chi phí tiền lương của doanh nghiệp lại tăng lên do rơi vào chu kỳ tăng lương cho lao động
“Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất đều gặp khó khăn về dòng tiền. Do vậy, việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp đáp ứng “trúng” mong muốn của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để duy trì sản xuất kinh doanh, trả lương cho người lao động”, ông Đỗ Phước Tống nói.
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt May Thêu đan TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, bên cạnh việc gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là chính sách tài khóa rất thiết thực hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Theo ông Việt, hiện các doanh nghiệp trong ngành dệt may đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong trong quý IV/2020, các đơn hàng giảm tới trên 50% so với cùng kỳ; cả 2 thị trường xuất khẩu chính của ngành là Mỹ và EU đều giảm mạnh. Trong khi đó, mặt hàng vốn là lợi thế của nhiều doanh nghiệp may Việt Nam là khẩu trang và đồ bảo hộ hiện giá cũng đã giảm mạnh, do dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới. Việc doanh thu giảm mạnh cùng với áp lực chi trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, tiền vay ngân hàng và các chi phí khác đã khiến doanh nghiệp càng thêm lao đao.
Do vậy, đại diện Hội Dệt May Thêu đan TP Hồ Chí Minh đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả doanh nghiệp, thay vì chỉ dành cho các doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng như quy định hiện nay. Đồng thời, kiến nghị giảm thuế giá trị gia tăng xuống 5% và cho phép doanh nghiệp khấu trừ lỗ năm 2020 vào phần quyết toán 20% của năm 2019 để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Trong một khảo sát mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, có tới 84% số doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn do thiếu vốn kinh doanh, bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu, thị trường bị thu hẹp… do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do vậy, việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp được cho là tín hiệu khá tích cực cho các doanh nghiệp thêm lực vượt qua khó khăn.
Riêng đối với các doanh nghiệp trong ngành du lịch, dịch vụ, ông Trần Đoàn Thế Duy, Quyền Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel) cho rằng, chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp dường như ít tác động đến doanh nghiệp trong ngành. Bởi lẽ, do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 kéo dài nên hầu hết các doanh nghiệp ngành du lịch, dịch vụ đều không có doanh thu từ tháng 3 đến nay.
“Tổng thu không đủ bù lỗ nên việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm 2020 không có tác dụng nhiều. Điều chúng tôi mong muốn hiện nay là Chính phủ, Bộ Tài chính kéo dài thời gian giãn thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp ít nhất đến giữa tháng 6/2021, thay vì chỉ 5 tháng hay đến cuối năm để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính vận hành bộ máy cũng như thực hiện các kế hoạch kinh doanh”, ông Trần Đoàn Thế Duy chia sẻ.
Một số ý kiến cho rằng, nhìn chung mặt bằng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong năm 2020 là khá thấp, nhiều ngành nghề, doanh nghiệp sẽ có doanh thu không đủ bù đắp chi phí. Do đó, chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp có thể chưa hỗ trợ cho được nhiều doanh nghiệp.
Do vậy, ngoài chính sách về thuế, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan một số chính sách hỗ trợ khác để doanh nghiệp có thêm trợ lực ổn định sản xuất trong thời gian tới; trong đó, có các hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp có thể tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ cho người lao động. Đồng thời, đề nghị tất cả mọi người lao động trong doanh nghiệp nếu bị giảm thu nhập sâu đều được tạm ngưng đóng bảo hiểm xã hội, hủy bỏ quy định 50% lao động nghỉ việc mới được giải quyết.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị sửa đổi nhanh về mặt chính sách đối với chính sách cho vay trả lương người lao động theo hướng cho nhiều ngân hàng cùng làm, nhà nước bù lãi vay cho doanh nghiệp, thay vì chỉ giao một Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện. Đây là một chính sách rất có ý nghĩa với doanh nghiệp nhưng thời gian qua không thực hiện được.