Giám đốc quốc gia của Ngân hàng ADB tại Việt Nam Shantanu Chakraborty đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về viễn cảnh kinh tế và cơ sở của các dự báo.
Theo Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã chậm lại xuống còn 3,7% trong nửa đầu năm 2023. Với thông tin này, ông đánh giá thế nào về các triển vọng kinh tế cho cả năm?
Trong hai quý đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế bất ngờ giảm xuống còn 3,7%. Tuy nhiên, ADB vẫn rất lạc quan rằng Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng cả năm là 5,8% trong năm 2023. Điều này dựa trên những tín hiệu tích cực trong ngành dịch vụ và xây dựng. Chúng tôi cũng ghi nhận tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp, với giá cả nông nghiệp duy trì ở mức ổn định. Do đó, có một số động lực kinh tế mà chúng tôi tin rằng sẽ đóng góp vào việc giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng 5,8% cho cả năm.
Tôi tin rằng việc duy trì động lực đầu tư công đóng vai trò quan trọng bởi điều này sẽ giúp phục hồi các hoạt động kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập để từ đó đẩy mạnh tiêu dùng trong nước.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đi xuống, ông có cho rằng Việt Nam đủ khả năng kiểm soát lạm phát trong năm 2023?
Các chính sách tiền tệ và tài chính mà Chính phủ triển khai cho đến nay đã thực sự tạo thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát. Dự báo hiện nay của chúng tôi là lạm phát ở mức 3,8% trong năm 2023 và 4% trong năm 2024. Tất nhiên, vẫn còn những thách thức, xét đến xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu, tình trạng gián đoạn do một số sự kiện địa chính trị và việc thắt chặt tiền tệ tại một số nước.
Tuy nhiên, nhìn chung, với sản xuất nông nghiệp ổn định trong nước đến thời điểm này và việc giá dầu và khí đốt được dự báo vẫn ổn định trong thời gian còn lại của năm, tôi tin chắc rằng mức lạm phát 3,8% là rất khả thi, căn cứ vào tỷ lệ lạm phát thấp của nửa đầu năm 2023.
Một số ý kiến cho rằng tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và đầu tư công sẽ là những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong năm 2024. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm này, song tôi sẽ xem đầu tư công là nhân tố hàng đầu. Một số tính toán cho thấy khoảng 30 tỷ USD đầu tư công đã được lên kế hoạch, do đó cần tăng cường nỗ lực để xúc tiến việc chi tiêu số tiền này. Điều này sẽ thực sự thúc đẩy nhu cầu thị trường, giúp tạo thêm việc làm và tăng cường các hoạt động kinh tế nói chung.
Tiêu dùng cũng đóng vai trò quan trọng. Do lạm phát hiện nay đang thấp và người dân phần nào quyết định mức độ thanh khoản, tiêu dùng trong nước cần đủ mạnh để bù đắp những tác động tiêu cực của các hoạt động liên quan đến xuất khẩu.
Vì vậy, tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định rằng 3 nhân tố trên là động lực chính giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế như chúng tôi đã dự báo.
Việc các đối tác thương mại chính của Việt Nam duy trì lãi suất cao đã làm giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam cần làm gì để giữ vững vị thế thương mại trước những cơn gió ngược?
Đây là tình hình khó khăn bởi phần lớn các đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam đang duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ do sức ép của lạm phát, song điều này đang ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của Việt Nam và làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa của Việt Nam.
Mặt khác, các nhà sản xuất của Việt Nam đang được hưởng lợi từ chi phí vay nợ thấp trong nước, trong bối cảnh thanh khoản của thị trường ở mức cao.
Do đó, Việt Nam nên tiếp tục tìm kiếm thị trường ngách mới để có thể cung cấp thêm nhiều dịch vụ giá trị gia tăng. Việt Nam cũng nên nỗ lực đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu sang nhiều lĩnh vực để có thể duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Quan trọng hơn, Việt Nam nên cải thiện năng lực cạnh tranh thông qua việc tiết giảm cơ cấu chi phí. Về vấn đề này, chính phủ đóng vai trò lớn trong việc đảm bảo độ chắc chắn để thu hút các nhà đầu tư tư nhân chú trọng xuất khẩu đến với Việt Nam, được tiếp cận môi trường ổn định và hạ tầng mạnh.
Đây là một số biện pháp mà Việt Nam có thể thực hiện để đa dạng hóa danh mục sản phẩm và nâng cấp chuỗi giá trị để cung cấp thêm các dịch vụ giá trị gia tăng cho thị trường quốc tế, giảm bớt những thách thức mà lĩnh vực xuất khẩu sẽ đối mặt.
Tỷ lệ nợ công trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam vẫn tương đối ổn định trong những năm qua. Ông có tin rằng điều này sẽ tạo dư địa tài chính lớn cho đầu tư công trong nước hay không?
Tỷ lệ nợ công trên GDP hiện nay là khoảng %, trong khi mục tiêu mà Chính phủ tự đề ra là trong khoảng 60%. Do đó, vẫn còn dư địa tài chính lớn để Chính phủ triển khai, thông qua việc vay thêm và chi tiêu vào đầu tư công.
Tôi thấy đây là cơ hội tốt để thực sự thúc đẩy chương trình nghị sự nhằm chi tiêu cho hạ tầng và lĩnh vực xã hội, bao gồm trợ cấp thất nghiệp và cắt giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Tôi đề xuất chính phủ xúc tiến cắt giảm VAT, đồng thời giãn nợ đến cuối năm 2024 để phục hồi tiêu dùng trong nước.
Hiện có một số biện pháp tài chính mà chính phủ có thể triển khai ngay, trong bối cảnh còn nhiều dư địa tài chính khi xét theo tỷ lệ nợ công trên GDP.
Trân trọng cảm ơn ông.