Giảm thiểu tác động trong quá trình tinh gọn ngành hải quan

Chiều 16/12, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 của Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đề nghị ưu tiên việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030, Kế hoạch phát triển hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 5 năm và hàng năm trong toàn ngành với mục tiêu tổng quát xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới. 

Chú thích ảnh
 Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MP/dangcongsan.vn

Theo đó, tập trung nhiệm vụ chuyển đổi số, tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin của ngành hải quan và nhiệm vụ hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy, bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, quan điểm của lãnh đạo Bộ Tài chính là triển khai chủ trương của Đảng, Nhà nước nhưng giảm thiểu tác động, duy trì một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; có lộ trình sao cho vừa tinh giảm, vừa sắp xếp không tác động quá lớn. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định tinh thần mà Trung ương đặt ra là để đảm bảo các công việc vẫn được diễn ra suôn sẻ, còn bộ máy thì hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Trong quá trình sắp xếp không để gián đoạn các hoạt động. Các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp cũng sẽ có những chính sách thỏa đáng. Nội dung này, Bộ Tài chính cũng đang phối hợp với Bộ Nội vụ để tham mưu cho Ban Chỉ đạo. 

Bộ trưởng cũng đề xuất sửa đổi bổ sung, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật hải quan phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới và yêu cầu quản lý; chủ động nắm bắt vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Đối với thu, cơ quan hải quan tiếp tục bám sát những nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết của Chính phủ và chương trình hành động của Bộ Tài chính; thực hiện tốt quản lý thuế; tăng cường rà soát, nắm chắc nguồn thu; triển khai các giải pháp tăng thu, chống thất thu ngân sách nhà nước. Đồng thời, quyết liệt, chủ động trong chống buôn lậu và gian lận thương mại, đặc biệt là phòng chống ma túy.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cho biết, sang năm 2025, để sớm kiện toàn tổ chức bộ máy đi vào hoạt động theo mô hình mới, ngành hải quan sẽ đánh giá tác động về chính sách pháp luật, nghiệp vụ, hệ thống công nghệ thông tin, tổ chức bộ máy, chính sách cán bộ và tài chính, hậu cần đảm bảo từ đó kiến nghị các biện pháp, giải pháp đồng bộ để bộ máy mới đi vào hoạt động theo đúng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực làm tốt các nhiệm vụ, 2025 đã đặt ra, đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kế hoạch năm, hoàn thành tốt cải cách hành chính, theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch… nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cùng với đó là triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thu ngân sách nhà nước năm 2025; tăng cường kiểm soát chống buôn lậu và gian lận thương mại, quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan; công tác thanh tra, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Đặc biệt là tạo thuận lợi thương mại và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, phòng chống ma túy, đảm bảo an ninh an toàn quốc gia, trật tự xã hội; thể hiện qua vai trò Cơ quan thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) và Cơ quan giúp việc cho Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 9 Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 14/12/2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt 745, tỷ USD, tăng 15,35% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số đó, xuất khẩu đạt 4,4 tỷ USD, tăng 14,46% và nhập khẩu đạt 360.98 tỷ USD, tăng 16,32%.

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam tính đến hết ngày 14/12/2024 thặng dư 23,42 tỷ USD, thấp hơn 2,29 tỷ USD so với con số thặng dư 25,71 tỷ USD của cùng kỳ năm 2023.

Dự báo, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam cả năm 2024 có thể đạt khoảng 782,33 tỷ USD, xuất siêu ước đạt 23,53 tỷ USD.

Nhờ tăng trưởng tích cực của thương mại cùng nỗ lực của cán bộ công chức trên cả nước, số thu ngân sách nhà nước của ngành hải quan từ ngày 1/1 đến 14/12/2024 đạt 402.0 tỷ đồng, đạt 107,4% dự toán, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Căn cứ tình hình thực tế thu thời gian qua, Tổng cục Hải quan dự kiến tổng thu cả năm 2024 đạt 418.000 – 420.000 tỷ đồng, bằng 111,5 - 112% dự toán được giao, tăng 13,4 - 13,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Cơ chế một cửa quốc gia đã có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối với hơn 75,4 nghìn doanh nghiệp. Duy trì kết nối chính thức để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước thành viên ASEAN. Hiện đang phối hợp kiểm thử trong môi trường thử nghiệm với Lào và đang mở rộng trao đổi thông tin với các đối tác thương mại như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ....

Trong năm 2024, Tổng cục Hải quan đã nghiên cứu, tham gia ý kiến đối với 69 dự thảo xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và các đề án về kiểm tra chuyên ngành do các bộ, ngành, Văn phòng Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố gửi lấy ý kiến.

Đề án mô hình cửa khẩu thông minh tại Lạng Sơn và Đề án mô hình Cửa khẩu số cho các cửa khẩu đường bộ đã và đang được tích cực triển khai, kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Thùy Dương (TTXVN)
Khoảng 1.000 câu hỏi của doanh nghiệp đã được ngành Hải quan giải đáp
Khoảng 1.000 câu hỏi của doanh nghiệp đã được ngành Hải quan giải đáp

Năm 2024, cơ quan Hải quan các cấp đã thực hiện hơn 154 cuộc đối thoại và trả lời khoảng 1.000 câu hỏi vướng mắc, với sự tham gia của hàng nghìn doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN