Triển lãm ảo do Việt Nam tổ chức trên website chính thức của ITU https://digital-world.itu.int/events/2021-event/exhibition/.
Triển lãm bao gồm các gian hàng trực tuyến 2D và 3D, trưng bày sản phẩm, dịch vụ, giải pháp số của doanh nghiệp, các gian hàng quốc gia. Các gian hàng xuất hiện dưới dạng 2D hoặc 3D trên Internet để người dùng khắp thế giới có thể tham quan. Tại đây, các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ sẽ trưng bày, giới thiệu sản phẩm, giải pháp và dịch vụ mới, cũng như các sáng kiến về công nghệ thông tin. Các gian hàng sẽ được duy trì trong một tháng từ ngày 12/10 đến 12/11.
Triển lãm trực tuyến là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, tiếp cận khách hàng và đối tác từ 193 nước thành viên của ITU. Không gian triển lãm trực tuyến ITU Digital World 2021 được thiết kế rất ấn tượng với đầy đủ các khu vực chức năng, gồm có các Gian triển lãm quốc gia, khu triển lãm theo chủ đề, các gian hàng kinh doanh và khu vực hội nghị.
Với chủ đề "Resilient Digital Viet Nam" (Việt Nam số kiên cường), gian hàng quốc gia Việt Nam thể hiện khát vọng mãnh liệt, phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc, để có thể sánh vai cùng bạn bè năm châu. Việt Nam sẵn sàng hợp tác, sẵn sàng chia sẻ, sẵn sàng kết nối cùng bạn bè quốc tế để cùng nhau xây dựng một thế giới số.
Vietnam National Pavilion được hình tượng hóa như một "con thuyền không gian số" có hình dáng "Chim lạc" mang ý nghĩa về sự chuyển dịch của thời đại mới, phương tiện mới, khám phá những không gian kết nối mới, tư duy mới trên nền tảng truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc. Lấy cảm hứng từ con thuyền mang hình ảnh chim Lạc tên "resilient Digital Vietnam" bay vào vũ trụ với sự dẫn dắt của Chính phủ và đồng hành của các doanh nghiệp. Không gian triển lãm của Việt Nam được chia làm 3 phân khu trải nghiệm: Khu đại sảnh (Hall Center); khu triển lãm Cloud Studio và khu Products Center (Trung tâm sản phẩm).
Khu Đại sảnh (Hall Center) truyền tải thông điệp về tư duy và tầm vóc của Việt Nam. Việt Nam lớn hay nhỏ phụ thuộc vào nhận thức của chính chúng ta. Nhận thức của chúng ta lớn đến đâu thì tầm vóc của chúng ta lớn đến đó. Các chủ đề chính được thảo luận tại đây gồm: Việt Nam: nghĩ lớn; Việt Nam số kiên cường; nền tảng là chìa khóa chuyển đổi số; chính phủ dẫn dắt; Niềm tin vào công nghệ; Tại sao Việt Nam?
Khu triển lãm Cloud Studio với chủ đề Digital Viet Nam (Việt Nam số) thể hiện hành trình tới tương lai là một trải nghiệm cùng chim lạc cất cánh, xuyên qua đám mây, chinh phục không gian mới, rộng mở. Lần đầu tiên Nghị quyết Đại hội Đảng nêu lên khát vọng Việt Nam trở thành nước phát triển, phồn vinh, hạnh phúc và con đường đi chủ yếu là đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Với vai trò dẫn dắt, Chính phủ Việt Nam đã hành động. Chính phủ hành động bằng cách thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia thông qua việc hoàn thiện thể chế cho cái mới và xác định tầm nhìn cho cái mới. Chính phủ đã ban hành các Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, Chính phủ số và sẽ sớm ban hành Chiến lược quốc gia về hạ tầng số, kinh tế số và xã hội số.
Khu Trung tâm giới thiệu sản phẩm (Products Center) giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Make in Viet Nam là một lời hiệu triệu các doanh nghiệp công nghệ số cùng sáng tạo, làm chủ công nghệ. 12 sản phẩm tiêu biểu Make in Viet Nam là minh chứng cho giá trị của công nghệ số, giải các bài toán khó của đất nước trong lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại và ứng phó với đại dịch COVID-19.
Một số ứng dụng, phần mềm công nghệ tiêu biểu được giới thiệu tại gian hàng gồm: Ứng dụng PC COVID (Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 Quốc gia); Ứng dụng hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người dân VNCare (VNPT); Hệ thống hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa - Telehealth (Viettel); Nền tảng thương mại điện tử nông sản Việt - Postmart (VNPost); Nền tảng thương mại điện tử Vỏ Sò (Viettel Post); Hệ thống giải pháp xử lý quá tải sàn GDCK HSX (FPT); Base.vn - Nền tảng Quản trị doanh nghiệp toàn diện (Base Enterprise); Nền tảng phần mềm Thu thập, Xử lý Dữ liệu và Ứng dụng cho Quản lý Hệ thống Điện (ATS); akaBot (FPT); Trạm thu phát gốc 5G gNodeB (Viettel); Hệ sinh thái giáo dục 4.0 vnEdu (VNPT); DrAidTM for COVID-19 (VinBrain); Siêu ứng dụng MoMo (Công ty Di động trực tuyến); Smartlog Product Portfolio (Công ty Cổ Phần Giải pháp Chuỗi Cung ứng Smartlog).
Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, chủ đề "Resilient Digital Viet Nam" thể hiện tinh thần Việt Nam vươn lên trong mọi tình huống, không đầu hàng trước bất kỳ khó khăn nào và đi ra thế giới, chinh phục không gian phát triển mới - Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trên nền tảng công nghệ số/chuyển đổi số và nền tảng văn hóa Việt Nam, truyền thống hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn sẵn sàng chuyển đổi, thích ứng với mọi biến chuyển của thời đại, nhìn ra những điểm sáng để biến nguy thành cơ. Việt Nam có khát vọng mãnh liệt, phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc, để có thể sánh vai cùng bạn bè năm châu. Đồng thời, Việt Nam sẵn sàng hợp tác, sẵn sàng chia sẻ, sẵn sàng kết nối cùng bạn bè quốc tế để cùng nhau xây dựng một thế giới số.
Thế giới đều thay đổi sau đại dịch COVID-19. Phong tỏa, giãn cách, giới nghiêm… khiến mọi hoạt động không còn giống như trước. Đây là lúc chuyển đổi số trở thành thước đo sức mạnh và năng lực của một quốc gia. COVID-19 là cú huých trăm năm cho chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển số một tháng bằng nhiều năm.
Nhằm thích ứng với tình hình đại dịch: phòng chống dịch, tạo nền tảng cho phục hồi kinh tế nhanh, phát triển bền vững sau đại dịch, Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Chính phủ đã ban hành chiến lược về chuyển đổi số với mục tiêu thúc đẩy các ứng dụng số, doanh nghiệp số và hướng tới quốc gia số; đưa ra chiến lược Make in Viet Nam thúc đẩy người Việt làm chủ công nghệ, giải quyết các bài toán Việt Nam từ đó đi ra toàn cầu. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam hoàn thành xây dựng Chính phủ số, kinh tế số chiếm 30% GDP và đứng trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ điện tử.
Trong đại dịch, người dân sử dụng Internet nhiều hơn nhằm duy trì cuộc sống, sản xuất, kinh doanh: làm việc ở nhà, họp online, học online, đi chợ qua mạng… thường xuyên hơn. Giãn cách, phong tỏa buộc mỗi người phải tự học hỏi, cập nhật xu hướng công nghệ mới để đáp ứng tối thiểu những nhu cầu cá nhân và công việc. Cách người dân du lịch, gửi hàng hóa, thưởng thức những bữa ăn ở nhà hàng yêu thích, thuê nơi ở hay thậm chí khám chữa bệnh… cũng không giống như những gì đã làm từ trước đến nay.
Mặc dù kinh tế thế giới được dự báo suy thoái nghiêm trọng, tăng trưởng của các nền kinh tế lớn giảm sâu do đại dịch thì trong năm 2020, Việt Nam giữ vững tăng trưởng với tốc độ tăng GDP đạt 2,91%. Cùng với Trung Quốc và Myanmar, Việt Nam là một trong ba quốc gia ở châu Á có mức tăng trưởng tích cực trong năm nay. Quy mô nền kinh tế đạt hơn 343 tỷ USD, vượt Singapore (337,5 tỷ USD) và Malaysia (336,3 tỷ USD), trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á và nằm trong Top 40 nền kinh tế lớn trên thế giới.
Tất cả những thay đổi đó tạo nên cơ hội chuyển đổi số thành công. Chuyển đổi số là vaccine để chiến thắng đại dịch. Công nghệ số cùng Việt Nam kiên cường vượt qua đại dịch, phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.