“Hiện nay, hàng gian,hàng giả không chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế, các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Để ngăn chặn vấn nạn này, cần có những giải pháp phối hợp đồng bộ của các cấp ban ngành, doanh nghiệp, người tiêu dùng…”
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu trong tọa đàm“Hàng gian, hàng giả: Thách thức của sự phát triển bền vững” do tạp chí Người làm báo phối hợp cùng các đơn vị tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 27/1.
Tràn lan hàng gian, hàng giả
Theo thống kê của ngành Hải quan, từ năm 2013 - 2014 cả nước đã phát hiện 37.399 vụ vi phạm hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Chỉ tính trong năm 2014 vừa qua, đã có trên 16.000 vụ với số tiền vi phạm gần 200 tỷ đồng, so với năm 2013 tăng 4.115 vụ. Riêng TP Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 7184 vụ với tổng số tiền gần 100 tỷ đồng.
Theo các cơ quan chức năng, hiện trên thị trường đang có 31 mặt hàng đang bị làm giả như mỹ phẩm, thuốc trừ sâu, quần áo, mũ bảo hiểm…
Tuy nhiên nhiều đại biểu tham dự buổi tọa đàm lại cho rằng, có tới 95% hàng hóa ra thị trường đều là hàng gian, hàng giả.
Bà Lâm Thị Thanh Thủy, đại diện Công ty TNHH Hóa Nông Hợp Trí cho biết: Thị trường hiện nay đồ giả nhiều hơn đồ thật. Tất cả các mặt hàng như mỹ phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc tránh thai, điện tử, gas… đều có thể làm giả.
Một nghịch lý khá trớ trêu là, người tiêu dùng đang bỏ tiền thật mua hàng giả. Ví dụ như rượu tây có đến 80 - 90% là giả vì không có nước nào bán rượu tây giá rẻ như ở Việt Nam, thậm chí giá còn rẻ hơn cả nước sản xuất ra mặt hàng này.
Mặt hàng mũ bảo hiểm thường xuyên bị làm giả, làm nhái nhãn hiệu ảnh hưởng tới doanh nghiệp, người tiêu dùng. |
Còn theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, hàng giả phát triển theo thời gian, cứ năm sau lại cao hơn năm trước. Hàng gian, hàng giả đang làm lu mờ thương hiệu người kinh doanh chân chính, làm triệt tiêu động lực phát triển của DN, phá sản. Ngoài ra, hàng giả, hàng gian gây mất lòng tin, thiệt hại và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Doanh nghiệp vẫn “tự bơi”
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải “tự bơi” trong cuộc chiến chống lại vấn nạn này.
Bà Lâm Thị Thanh Thủy chia sẻ: Vừa qua chúng tôi phát hiện phân bón lá giả nhãn hiệu của công ty tại địa bàn tỉnh Long An, Tiền Giang nhưng khi kiến nghị với cơ quan chức năng thì các đơn vị lại lấy lý do vì số lượng hàng giả quá ít, cần theo dõi với số lượng lớn mới xử lý tận gốc. Đến thời điểm này công ty vẫn” tự bơi”.
Tương tự, ông Vũ Văn Thanh, Phó Giám đốc Tập đoàn Tôn Hoa Sen nói: Thời gian qua chúng tôi bị làm giả nhãn hiệu và sản phẩm nhưng cũng chỉ có thể ngăn chặn bằng phương án tư vấn cho khách hàng cách nhận biết hàng giả. Đồng thời phía công ty đẩy mạnh phương châm kinh doanh bán đúng giá, đúng tiêu chuẩn và chất lượng. Người tiêu dùng nên tìm hiểu rõ sản phẩm và yêu cầu người bán xuất hóa đơn khi mua hàng”.
Nâng cao mức xử phạt
Hiện nay, việc chống hàng giả có 5 cơ quan chức năng tham gia (Công thương, Y tế, Nông nghiệp, hải quan, cảnh sát điều tra, UBND phường – xã – thị trấn), nhưng đến khi xảy ra vấn đề các cơ quan lại đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí đổ lỗi cho nhau.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, sở dĩ việc trì trệ trong công tác chống hàng giả, hàng gian có nhiều nguyên nhân như: xử phạt hành chính thiếu tính răn đe; thủ tục hành chính trong vấn đề khởi kiện lằng nhằng. …
Ví dụ muốn khởi kiện DN bán hàng kém chất lượng phải mất từ 6 tháng đến 2 năm, mức xử phạt cũng chỉ dừng ở 20 triệu đồng. Theo ông Hậu, muốn chống hàng gian, hàng giả tốt chỉ còn cách sửa đổi luật sao cho chế tài thật nặng.
Ông Đỗ Ngọc Chính, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng cho rằng, dù hệ thống pháp luật liên quan đến hàng gian, hàng giả đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh, tuy nhiên vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc thực hiện quyền của mình. Theo thống kê của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, mặc dù nước ta đã có tới 50 hội bảo vệ người tiêu dùng tại các tỉnh thành trên cả nước nhưng tổng cộng mỗi năm cũng chỉ nhận được khoảng 1.000 khiếu nại của người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa, trong khi đó, Singapore có dân số ít hơn nhưng mỗi năm lại có tới trên 10.000 khiếu nại của người tiêu dùng.
Bài, ảnh: Hoàng Tuyết