Tân Hoa Xã dẫn phân tích của CICC cho biết trước sức ép của nền kinh tế toàn cầu đi xuống, PBoC được kỳ vọng sẽ dần dần nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm giải quyết tình trạng nhu cầu trong nước yếu kém do hoạt động giám sát tài chính nghiêm ngặt và căng thẳng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Các chuyên gia của CICC cho rằng PBoC dường như sẽ hạ thấp lãi suất cơ bản trên thị trường mở (OMO) song song với việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng nhằm đảm bảo tính thanh khoản và sự tăng trưởng ổn định trong hoạt động cung ứng tiền tệ. CICC cũng lưu ý rằng nhiều khả năng PBoC sẽ không tính đến việc nới lỏng tiền tệ quy mô lớn do sức ép từ lạm phát.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng dự báo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ tiếp tục tập trung vào cải cách trong kinh tế trọng cung nhằm đối phó với các vấn đề mang tính cấu trúc phức tạp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Theo CICC, PBoC sẽ đẩy mạnh cải cách lãi suất cho vay theo hướng thị trường nhằm cải thiện cơ chế lãi suất cho vay cơ bản của các ngân hàng. Báo cáo phân tích của CICC cũng dự đoán Trung Quốc sẽ đẩy nhanh lộ trình bơm vốn vào hệ thống ngân hàng trong năm nay, qua đó giúp các ngân hàng vừa và nhỏ giải quyết vấn đề về vốn và có thêm tiền mặt.
Ngoài ra, PBoC cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các doang nghiệp vừa và nhỏ thông qua các công cụ của OMO đồng thời khuyến khích ngân hàng cho các doanh nghiệp gặp khó khăn vay tiền. Tính đến tháng 6/2019, trung bình lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã giảm 0,66%, xuống còn 4,78% so với mức của năm ngoái.
Ngày 12/8, PBoC đã thiết lập tỷ giá tham chiếu đồng nội tệ ở mức 7,0211 Nhân Dân Tệ (NDT) đổi 1 USD. Đây là phiên thứ ba liên tiếp tỷ giá này vượt mốc 7 NDT đổi 1 USD. Trước đó, ngày 5/8, Trung Quốc đã để đồng NDT lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu phá ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD, ở mức 7,0391 NDT/USD.