Giữ chân lao động trẻ cho làng nghề

Cùng với việc lưu giữ và phát huy nét đẹp văn hóa lâu đời ở vùng nông thôn, sự phát triển của các làng nghề trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, nhiều làng nghề đang gặp khó khăn do thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực trẻ và lao động có tay nghề cao.

Chú thích ảnh
Nghề rèn Bàn Mạch tại xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Chưa thu hút được lao động trẻ

Thời kỳ thịnh vượng cách đây chục năm, làng nghề mây tre đan Triệu Đề, xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch có gần 1.000 hộ sản xuất tấp nập với các mặt hàng đan lát từ mây, tre phục vụ đời sống hằng ngày và sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên đến nay, làng nghề chỉ còn hơn 300 hộ làm nghề không thường xuyên mà tranh thủ thời gian nông nhàn. Thu nhập bình quân khoảng 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, làng nghề thiếu thợ giỏi, người có tay nghề cao, nên sản phẩm làm ra chưa được cải tiến, giá thành thấp, thị trường tiêu thụ lại bấp bênh khiến việc giữ chân các lao động ở làng nghề đan lát Triệu Đề gặp khó khăn.

Ông Lưu Trung Tuyến, một thợ giỏi của làng nghề mây tre đan xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch chia sẻ: “Tôi đã gắn bó với nghề mây tre đan hơn 40 năm. Nghề này đòi hỏi sự tỉ mỉ, chịu khó. Có khi làm cả ngày chỉ được 3-5 sản phẩm, tiền công 50.000 - 70.000 đồng, khó thu hút lao động trẻ”.

Ông Phạm Huy Hoạt, Chủ tịch UBND xã Triệu Đề cho biết: Hiện nay, số người trong xã còn gắn bó với nghề chủ yếu là người già, người trung niên và phụ nữ lúc nông nhàn. Đầu ra không ổn định, thu nhập thấp nên lớp trẻ không có ai theo nghề cha ông mà chuyển hướng sang các ngành nghề khác có thu nhập cao và ổn định hơn.

Nghề rèn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận là làng nghề từ năm 2006. Nắm bắt nhu cầu thị trường, làng rèn Bàn Mạch đã đổi mới công nghệ, thay đổi mẫu mã ngày càng đa dạng. Các sản phẩm rèn Bàn Mạch không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn bắt đầu có sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, tình trạng thiếu lao động trẻ cũng khiến các làng nghề này gặp khó trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất

Ông Phùng Văn Đô, chủ cơ sở rèn ở xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường bộc bạch: Vài năm trở lại đây, nghề rèn phát triển nhờ đầu ra sản phẩm ổn định. Nhiều hộ làm nghề cũng đã ứng dụng công nghệ để tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, vẫn khó thu hút lao động trẻ, bởi nghề này không chỉ đòi hỏi sức khỏe, mà còn phải chịu khó, tỉ mỉ. Lớp trẻ bây giờ thường chọn việc có thu nhập cao hơn nghề rèn để làm.

Tìm giải pháp tháo gỡ

Chú thích ảnh
Làng nghề gốm Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: TTXVN phát

Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 25 làng nghề, trong đó có 19 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề mới. Các làng nghề đang tạo việc làm cho hơn 55.000 lao động nông thôn. Thu nhập trung bình của mỗi lao động tại các làng nghề đạt từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng; một số lao động có tay nghề cao trong các lĩnh vực mộc, chế tác đá, bông vải sợi… có thu nhập cao hơn, ở mức từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay, lớp lao động trẻ và lao động có tay nghề cao đóng vai trò rất quan trọng trong việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đổi mới công nghệ trong làng nghề để vừa bảo tồn và phát huy các sản phẩm truyền thống của địa phương, vừa nâng cao chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Chính vì vậy, việc thu hút lao động trẻ, lao động có kỹ năng đóng vai trò then chốt, góp phần giải quyết hiệu quả bài toán thiếu hụt nhân lực, giúp làng nghề phát triển bền vững.

Giải quyết khó khăn đó, hằng năm, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn có làng nghề được công nhận mở các lớp truyền nghề theo hình thức “cầm tay, chỉ việc” gắn với yêu cầu tuyển dụng lao động thực tế tại các doanh nghiệp đầu mối bao tiêu sản phẩm và nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, Chi cục tích cực tổ chức hội thi tay nghề nhằm khuyến khích đội ngũ thợ làm nghề phát huy khả năng, trí tuệ, tạo ra những sản phẩm độc đáo, có giá trị nghệ thuật và giá trị kinh tế cao để nhân rộng sản xuất.

Thực hiện Chương trình khuyến công giai đoạn 2021-2025, tỉnh Vĩnh Phúc dành ngân sách hơn tỷ đồng hỗ trợ tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp… Những năm gần đây, Trung tâm Khuyến công và phát triển công nghiệp tỉnh cũng thường xuyên vận động, hướng dẫn, tổ chức tập huấn người dân nâng cao năng lực sản xuất, giới thiệu các mô hình sản xuất tiên tiến, hỗ trợ một số cơ sở sản xuất mua sắm, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nghề mộc đạt hiệu quả cao hơn. Hiện tại, làng nghề mộc thị trấn Thanh Lãng có hơn 50 máy xẻ; hơn 80 máy đục tự động; hàng trăm máy mài và máy cắt, đánh bóng cầm tay... Không ít cơ sở ở làng nghề đang đầu tư sâu rộng, mở rộng quy mô sản xuất thu lời từ sản xuất- kinh doanh 1 đến 2 tỷ đồng/cơ sở/năm, thu hút hàng chục lao động nông nhàn tại địa phương với việc làm thu nhập ổn định cho người lao động.

Mặt khác, tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp - làng nghề, đưa các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp vào hoạt động, giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh phát triển các mô hình làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch làng nghề, nhằm tạo cơ hội tăng thu nhập cho người dân, từ đó thu hút lực lượng lao động trẻ cho các làng nghề.

Nguyễn Thảo (TTXVN)
Nhộn nhịp làng nghề khô cá lóc phục vụ Tết
Nhộn nhịp làng nghề khô cá lóc phục vụ Tết

Làng nghề khô cá lóc xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Nhãn hiệu chứng nhận “khô Phú Thọ”, có gần 200 hộ sản xuất, chủ yếu là khô cá lóc, sản lượng bình quân đạt hơn 608 tấn cá khô/năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN