Thảo thơm từ những đôi bàn tay đen
"Nằm đất với chị hàng hương - còn hơn nằm gường với cô hàng cá". Háo hức đi theo bác trưởng thôn Lạc Trung với câu ca dao mộc mạc, chân quê ấy, phải đến giữa làng Choá chúng tôi mới gặp được "chị hàng hương". Vừa bước chân đến đầu con ngõ nhỏ, chúng tôi đã cảm nhận được mùi thơm thanh tao của nhựa trám, một cảm giác được thư giãn sau hồi đi bộ khá dài.
Bên hiên nhà, bà Đào Thị Son đang thoăn thoắt se những que hương đều tăm tắp, đen óng ả. Bà Son năm nay 62 tuổi nhưng tuổi nghề với que hương cũng ngót nghét 50 năm. Bà kể tuổi thơ của bà gắn liền với mùi hương trám và đôi bàn tay đen.
Hằng ngày, bên chiếc bàn gỗ cũ, bà Son vừa se nhang, vừa làm việc nhà, đôi bàn tay luôn nhuốm màu đen của hỗn hợp nhựa trám và than hoa. Với bà Son, làm hương đen tuy không đòi hỏi quá nhiều sức lực, nhưng lại khá cầu kỳ, nhiều công đoạn. Đặc biệt, nguyên liệu phải cẩn thận, kĩ càng và sử dụng hoàn toàn bằng các nguyên liệu tự nhiên, như: nhựa trám, than hoa, cây nứa, cật tre. Công việc tỉ mỉ là thế nhưng dụng cụ rất giản đơn chỉ với chiếc nồi hấp phôi nhang và chiếc bàn gỗ mặt phẳng, bóng loáng.
Bà Son cho hay, công đoạn se hương được làm bằng tay, yêu cầu độ tỉ mỉ cao nên số lượng hương của một hộ gia đình trung bình chỉ rơi vào khoảng 400 đến 500 que mỗi ngày. Đến nay, dù máy móc đã được áp dụng trong công việc làm hương nhưng gia đình bà Son vẫn duy trì cách làm thủ công truyền thống.
Hương đen làng Chóa vốn nổi tiếng nhờ được làm hoàn toàn từ các nguyên liệu tự nhiên từ nhựa trám, than củi. Sinh ra trong gia đình có truyền thống nhiều đời làm hương đen, bà Ngô Thị Bảy cho biết, nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên là nét đặc trưng của hương đen làng Choá, đó cũng là bí quyết mà cha ông để lại. Bên cạnh đó hương đen làng Choá khi đốt lên có mùi thơm đặc trưng của nhựa trám, khói rất nhiều nhưng không cay mắt, đen nhà.
Theo bà Bảy, để làm ra được que hương thành phẩm, khâu trộn nguyên liệu là công đoạn quyết định một phần lớn việc tạo nên hương thơm khác biệt cho loại hương đen đặc trưng của làng Chóa. Nhựa trám được đun sôi trộn cùng với than hoa từ cây gỗ bạch đàn đã được loại bỏ sạch tạp chất sau đó cho hỗn hợp nhựa trám với than hoa vào máy nghiền tạo độ mịn dẻo.
Ngày nay, nhiều gia đình tại làng Choá đã chuyển sang làm hương đen theo hướng công nghiệp. Gia đình bà Bảy Bảy là hộ đầu tiên trong làng tự chế tạo thành công chiếc máy se hương tự động từ năm 2005. Chiếc máy đã giúp gia đình tiết kiệm được nhân công và tăng năng suất lao động gấp 10 lần so với làm phương pháp thủ công.
Ông Đào Sỹ Bình, chồng bà Bảy cho biết, việc thay thế sức người bằng máy móc cũng giúp giảm bớt người lao động, hiệu quả kinh tế cao hơn. Trước đây, gia đình phải thuê khoảng 15-20 nhân công, nhưng đến thời điểm có máy chỉ cần 3-5 người là đáp ứng đủ lượng công việc.
Hương đen làng Chóa có nhiều loại theo kích cỡ khác nhau: từ 30cm đến 1m2, giá thành từ 25.000 – 300.000 nghìn đồng/100 cây. Thị trường tiêu thụ loại hương này nhiều nhất là Hà Nội, Hải Phòng, Tuyên Quang và các khu vực phía Nam…
Những ngày này, khi Tết Nguyên đán đang đến gần, các hộ làm hương trong làng Choá đang tất bật trộn bột, se hương để kịp phục vụ khách đến mua buôn. Thời gian khách buôn về làng Chóa lấy hương nhộn nhịp nhất là từ tháng 10 đến tháng 12 để phục vụ cho dịp Tết, cũng vào thời điểm này cơ sở sản xuất hương của bà Bảy phải thuê thêm từ 3-5 người cho kịp hàng Tết.
Gìn giữ nghề của cha ông
Không ai biết chính xác nghề làm hương đen ở làng Chóa có tự bao giờ. Người dân nơi đây kể lại, khoảng hơn 10 năm về trước, hầu như gia đình nào cũng làm hương và bận rộn vào dịp Tết.
Ngày nay, nghề làm hương ở làng Choá năng suất không cao, tiền công ít, nên những người trẻ trong làng lựa chọn đi làm tại các khu công nghiệp thay vì tiếp nối nghề truyền thống. Chính vì vậy, trong làng giờ chủ yếu chỉ còn người già vẫn miệt mài gắn bó với nghề hương đen truyền thống do ông cha để lại.
Bà Trần Thị Son chia sẻ, với thu nhập bình quân 4 -7 triệu đồng/tháng, lợi nhuận thu lại từ việc làm hương không nhiều nhưng hiện tại đó là công việc phù hợp với tuổi và sức khoẻ của bà. Hơn nữa, nghề làm hương gắn bó với bà từ khi được sinh ra và lớn lên như cơm ăn hàng ngày. Lúc nhỏ, công việc hàng ngày sau khi tan học của bà Son là phụ giúp gia đình se hương, thói quen cứ thế duy trì và khó có thể từ bỏ.
Không riêng bà Sơn, nhiều người dân làng Choá coi nghề làm hương là công việc quen thuộc đã ăn sâu trong tiềm thức bởi cha ông họ đã tìm tòi, sáng tạo, gắn liền với đời sống tinh thần của con người. Dù quy mô làng nghề đang dần bị thu hẹp nhưng những người đang "giữ lửa nghề" luôn mong muốn vực dậy, tiếp nối truyền thống cha ông, gìn giữ và truyền nghề cho thế hệ mai sau.
Trong ký ức của anh Nguyễn Thế Đoàn - 42 tuổi, hơn 10 năm trước cứ mỗi dịp Tết đến, cả làng lại nhộn nhịp khách đến mua hương. Trong làng lúc nào cũng lách cách âm thanh quen thuộc phát ra từ que hương đập vào bàn gỗ. Từ trong sân đến ngoài ngõ luôn tràn ngập sắc màu vàng, màu đỏ của chân hương và màu đen của que hương thành phẩm.
Với anh Đoàn, bầu không khí quen thuộc quê hương là mùi trám phảng phất, là những đôi bàn tay đen. Anh Đoàn chia sẻ, anh gắn bó với nghề làm hương đen vì yêu nghề của cha ông, vì những ký ức tuổi thơ, thấy mùi hương trám là thấy mùi Tết. Dù hiện nay có nhiều công việc cho thu nhập cao hơn nhưng anh Đoàn vẫn chọn công việc làm hương với hy vọng sản phẩm sạch của quê hương sẽ được nhiều người biết đến và mở rộng quy mô sản xuất.
Còn với gia đình bà Ngô Thị Bảy, làm hương đen đang là nghề cho thu nhập chính. Dù quy mô làng nghề đang dần bị thu hẹp, nhưng bà khẳng định sẽ không bỏ nghề mà sẽ ngày càng đầu tư, phát triển hơn nữa nghề hương đen. Bởi hương đen làng Choá là sản phẩm sạch, mà xu hướng tiêu dùng ngày nay người dân đang hướng đến những sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường.
Ông Dương Văn Đoàn, Trưởng thôn Lạc Trung cho biết, dù số hộ làm hương trong làng giờ cón ít nhưng vài năm trở lại đây, một số hộ đã đầu tư máy móc, quảng bá sản phẩm nên cũng đã có đầu ra. Vấn đề hiện nay là quảng bá sản phẩm và tìm thị trường bởi khi phong tục dâng hương thành kính còn thì nghề làm hương vẫn được duy trì.
Ông Ngô Quang Thu, Chủ tịch UBND xã Dũng Liệt cho biết, hiện cả làng còn khoảng 50 hộ đang làm nghề. Hàng năm, xã cũng đã và đang vận động nhân dân duy trì nghề, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, từ đó phát huy và duy trì nghề truyền thống lâu đời cũng như lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của quê hương.
Dưới cái nắng hanh vàng của mùa đông, đâu đó trong những con ngõ nhỏ của làng Choá phảng phất mùi hương trám thanh tao cùng những bó tăm vàng, đỏ khoe sắc. Những người yêu nghề vẫn miệt mài lách cách se hương chờ đón một mùa vụ tấp nập kẻ bán, người mua khi Tết đến Xuân về.