Từ tháng 10 âm lịch cho đến giáp Tết là mùa cao điểm của làng nghề làm hương trầm ở Quỳ Châu. Hơn 1 tháng nay, tại một trong những cơ sở làm hương trầm lớn nhất và lâu năm nhất ở huyện Quỳ Châu, gần 30 nhân công của cơ sở sản xuất hương trầm Hà Loan ở khối 2A, thị trấn Tân Lạc do bà Trần Thị Loan làm chủ luôn tất bật. Mỗi người một công đoạn như: giã bột hương trầm, làm chân hương, quấn hương,… để tạo ra que hương hoàn chỉnh cuối cùng.
Bà Loan cho biết, năm nay cơ sở của bà sản xuất hơn 400 nghìn que hương trầm đã được thương lái đặt trước. Nhu cầu dùng hương trầm vẫn cao do mọi người thắp hương hay mua làm quà biếu cho người thân, bạn bè vào dịp Tết. Không những thế, để chống hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, cơ sở của bà Loan cũng đã dán mác đăng ký mã số, mã vạch lên sản phẩm để người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc nơi sản xuất.
Tại cơ sở hương trầm Thiết Hợi do bà Hoàng Thị Hợi làm chủ cũng tất bật để kịp sản phẩm giao hàng cho khách. Bà Hợi cho biết, để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, ngoài những sản phẩm truyền thống như hương thẻ, nhiều cơ sở sản xuất hương trầm ở Quỳ Châu còn đầu tư sản xuất sản phẩm mới như hương nụ, hương vòng… Bên cạnh làm bằng thủ công thì cũng đã sử dụng máy móc để tăng năng suất lao động.
Tháng gần Tết là thời điểm vụ hương lớn nhất trong năm nên tất cả cơ sở sản xuất hương trầm trên địa bàn đều làm việc hết công suất. Nhiều cơ sở phải thuê hàng chục nhân công làm việc cả đêm lẫn ngày để kịp cho các đơn hàng trên cả nước. Những xe hàng đến tận nơi để vận chuyển hương trầm đi nhiều điểm như Vinh (Nghệ Ân), Hà Nội, Tp. Hồ chí Minh,…
Tuy nhiên, năm nay, dân làng nghề làm hương trầm kém vui so với năm trước do giá nguyên liệu làm hương trầm là rễ cây hương đã tăng gấp đôi. Bà Loan cho biết thêm, nếu như năm ngoái, mỗi kg rễ cây hương khoảng 35 nghìn đồng thì năm nay lên tới 70 nghìn đồng. Trong khi đó, 1 thùng hương trầm (1 thùng 100 búp) có giá bán hiện tại 1,1 triệu đồng. Tính ra, người làm trầm hương đã mất đi phần nửa lợi nhuận so với năm ngoái.
Hương trầm Quỳ Châu rất được khách hàng ưa chuộng do sản phẩm được làm từ nhiều loại thảo mộc thiên nhiên với thành phần chính là rễ cây hương bài, cây trầm. Đây là loại cây rễ chùm, mọc thành từng bụi và mùi thơm rất dễ chịu. Khi kết hợp với các loại thảo mộc khác như: quế chi, đinh hương, mía,… sẽ cho ra hương thơm đặc biệt. Khi thắp lên, mùi hương trầm dễ chịu khiến người ta khoan khoái, nhẹ nhàng. Để có được hương thơm đặc biệt đó là bí quyết của riêng từng cơ sở làm trầm hương ở huyện Quỳ Châu.
Hiện nay, toàn huyện Quỳ Châu có hơn 200 hộ sản xuất hương trầm và tập trung nhiều nhất ở thị trấn Tân Lạc với hơn 100 hộ. Mỗi năm, tại huyện Quỳ Châu có hơn 50 triệu que hương được sản xuất, cho doanh thu trên 20 tỷ đồng.
Ông Lô Văn Thế, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Quỳ Châu cho biết, những năm qua, hương trầm là sản phẩm chủ lực của huyện, mang lại giá trị kinh tế cao và giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động địa phương.
Để thương hiệu trầm hương Quỳ Châu lan tỏa và vươn xa, huyện Quỳ Châu đã triển khai nhiều nội dung để phát triển sản phẩm hương trầm theo chuỗi giá trị như: tập trung nghiên cứu tạo giống cây, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu; tổ chức cho các làng nghề, hộ sản xuất tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh, triển khai mô hình ứng dụng khoa học công nghệ để đa dạng sản phẩm hương gồm hương thẻ, hương nụ, hương vòng.
Việc phát triển nhãn hiệu tập thể hương trầm Quỳ Châu được chú trọng, tránh hàng nhái, hàng kém chất lượng, tạo được lòng tin của khách hàng khắp cả nước.