Bản đồ đặc sản
Hội chợ do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức, với 250 gian hàng của 200 doanh nghiệp đến từ 50 tỉnh, thành trong cả nước, nhằm thực hiện chương trình xúc tiến thương mại của UBND thành phố Hà Nội.
Trong không gian sang trọng và hiện đại của Vincom Mega Mall Royal City, Hội chợ “Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2016” giống như một nét duyên đằm thắm của cô gái miền thôn quê với các gian hàng lợp mái tranh tre và những tiểu cảnh được sắp xếp bằng hàng ngàn bắp ngô được mang tới từ vùng núi phía Bắc.
Và nét duyên ấy còn thể hiện bằng hàng trăm sản vật đặc sắc mỗi vùng miền, vô cùng đặc sắc, đã trở nên quen thuộc cũng có, còn vô cùng mới mẻ cũng có... mà các địa phương trong cả nước đã mang về Thủ đô để “khoe”.
Chia theo vùng miền với các khu gian hàng đặc sản vùng Tây Bắc, khu gian hàng đặc sản vùng Đông Bắc, khu gian hàng đặc sản vùng đồng bằng Sông Hồng, khu gian hàng đặc sản vùng Bắc Trung Bộ, khu gian hàng đặc sản vùng Nam Trung Bộ, khu gian hàng đặc sản vùng Tây Nguyên, khu gian hàng đặc sản vùng Đông Nam Bộ, khu gian hàng đặc sản vùng Tây Nam Bộ... Đồng thời cũng lại phân định gian hàng của từng tỉnh, thành phố; mỗi địa phương cũng tới 3 - 4 gian hàng, mang đặc trưng của địa phương mình; hội chợ thật sự giống một “bản đồ đặc sản” Việt Nam thu nhỏ.
Đủ cả thủy hải sản chế biến với những cái tên nổi tiếng như nước mắm Cát Hải, Phan Thiết, Phú Quốc, mắm tôm chua Huế Tấn Lộc, mắm ruốc Huế... Đủ cả bánh kẹo như bánh chưng Bờ Đậu, kẹo lạc Sìu Châu Nam Định, bánh đậu xanh Hải Dương, mè xửng Huế, kẹo dừa Bến Tre, mứt sấy Đà Lạt, chè lam Thạch Thất, bánh gai Tứ Trụ... Hay các loại chè, cà phê như chè Ô Long, chè San tuyết Suối Giàng, San tuyết Mộc Châu, chè Thái Nguyên, chè Phìn Hồ, chè Tà Xùa, cà phê Lâm Đồng, cà phê Mường Ẳng (Điện biên)... Rồi bạt ngàn là hoa quả tươi, sạch như bưởi da xanh, xoài cát Hậu Giang, xoài cát Hòa Lộc, cam sành Ngã Bảy, quýt đường Long Trị, cam xoàn, cam Bắc Quang, cam Vinh Phủ Quỳ, mãng cầu Tiền Giang, bưởi đường Tuyên Quang...
Như chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công Thương trong phát biểu khai mạc Hội chợ tối 1/12: Giờ đây chúng ta không còn phải đi tới từng địa phương, mà vẫn có thể thưởng thức được tất cả đặc sản các vùng miền. Đó, cũng chính là một trong những mục đích mà đơn vị tổ chức hội chợ muốn hướng tới.
Điều đáng nói, rất nhiều sản phẩm tại hội chợ đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa. Đặc biệt các sản phẩm tham dự hội chợ đều được xác thực về nguồn gốc và chất lượng bởi sở Công Thương các tỉnh, thành phố sở tại.
Gian hàng của tỉnh Cao Bằng với những đặc sản địa phương được nhiều người quan tâm. |
Là một trong những doanh nghiệp lần đầu tiên “ra mắt” tại Thủ đô, “Gấc tươi Kiều Phượng” (Cần Thơ) khiến người tiêu dùng chú ý vì ý tưởng khá đặc biệt của người phụ nữ đầy tâm huyết Kiều Phương, chủ doanh nghiệp. Tự đứng tại gian hàng để giới thiệu sản phẩm của mình, chị Kiều Phương cho biết: Xuất phát từ mong muốn tìm đầu ra cho cây gấc (hiện được trồng khá phổ biến ở các tỉnh miền Nam, đồng thời là loại cây có thể trồng quanh năm ở miền Nam, trong khi miền Bắc chỉ có vào dịp Tết), chị Phương đã tìm hiểu, nghiên cứu cho ra đời sản phẩm gấc tươi với ưu điểm là sàng lọc được 99,9% màng đỏ của quả gấc, giúp người tiêu dùng có thể chế biến các món ăn cần tới gia vị gấc. Bắt đầu vào cuộc từ năm 2004, tới nay đã 12 năm sản phẩm của chị Phượng có mặt trên thị trường, trong các siêu thị; tuy nhiên đây là lần đầu tiên chị quyết định tham dự hội chợ tại Hà Nội, với mong muốn tìm được nguồn tiêu thụ hàng lớn từ các doanh nghiệp của Thủ đô. Cũng thật đáng mừng, vì gian hàng của chị Phượng thu hút rất đông người tham dự.
An An trà - nhà sản xuất các loại trà xanh cao cấp Tân Cương Thái Nguyên (sản phẩm chỉ dẫn địa lý chè Tân Cương) vẫn có được một nét riêng để “quyến rũ” người tiêu dùng. Dù giá sản phẩm không hề rẻ: Trung bình là 350.000 - 600.000 đồng/kg chè, chè đinh đặt biệt thì giá đến 4 triệu đồng/kg; nhưng với những ngụm chè xanh trong, chan chát lúc đầu, nhưng uống xong thì ngọt lịm ở cổ, lưu mãi trong miệng; sản phẩm đã được rất nhiều người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp tham gia hội chợ quan tâm, tìm hiểu.
Đột phá trong khâu thiết kế mẫu mã, bao bì, tạo sức hấp dẫn riêng cũng như nâng tầm được giá trị của sản phẩm, bánh đậu xanh Rồng vàng Kỳ Anh (Hải Dương) cũng đã khiến người tiêu dùng quan tâm. Những chiếc hộp gỗ đựng bánh thay cho hộp giấy truyền thống bao đời nay, những phong bánh được thiết kế tinh tế và mỏng nhẹ, đẹp như một phong chocolate... khiến sản phẩm bánh đậu xanh vốn khá chân chất của mảnh đất Hải Dương trở nên hấp dẫn hơn hẳn...
Không quá ồn ào và cũng không quá mới mẻ, nhưng những đặc sản mà Thủ đô giới thiệu tại Hội chợ, cũng đều là những đặc sản đã “hữu xạ tự nhiên hương” đi bốn phương trời, như cốm làng Vòng, giò chả Ước Lễ, mứt sen trần Ninh Hiệp...
Đúng như chia sẻ tại hội chợ của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản: “Đất nước Việt Nam hình chữ S, với ba miền Bắc – Trung – Nam, mỗi miền đều có những đặc điểm riêng về điều kiện tự nhiên, văn hóa, phong tục tập quán, cách thức sản xuất, chế biến đã tạo nên các đặc sản của từng địa phương, chứa đựng trong đó những giá trị vật chất và tinh thần độc đáo, khác biệt, mang đậm đà bản sắc dân tộc và truyền thống văn hóa, tinh hoa của con người mỗi vùng miền, khẳng định giá trị của hàng Việt trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay”; mỗi đặc sản vùng miền được giới thiệu tại hội chợ đều vô cùng đặc sắc và thu hút.
Đòn bẩy cho chuỗi cung ứng - tiêu thụ
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản, Hội chợ “Đặc sản Vùng miền Việt Nam là sự kiện xúc tiến thương mại lớn, là sáng kiến thể hiện tình cảm, sự tâm huyết của thành phố Hà Nội và cộng đồng doanh nghiệp; mong muốn mở rộng, hợp tác liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước; quảng bá những nét đẹp văn hóa, những giá trị của sản phẩm để các đặc sản vùng miền Việt Nam đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Chính bởi ý nghĩa đặc biệt này, nên Hội chợ và các hoạt động hỗ trợ đã thu hút sự quan tâm tham gia không chỉ của các doanh nghiệp địa phương, mà còn của đông đảo lãnh đạo địa phương. Đông đảo đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang, Cần Thơ, Phú Thọ, Thanh Hóa... đã tới tham dự các hoạt động hội chợ.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội: Hội chợ có ý nghĩa đặc biệt trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, hỗ trợ quảng bá sản phẩm đặc sản các vùng, miền Việt Nam, tăng cường cung ứng tiêu thụ nguồn hàng chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô; qua đó góp phần ổn định thị trường, giá cả và từng bước để các doanh nghiệp kinh doanh của Hà Nội tiếp cận với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của các tỉnh, tạo nguồn hàng cung ứng lâu dài và ổn định, phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ nội địa và phục vụ xuất khẩu.
Hội chợ này sẽ góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt tại hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ; nâng cao nhận thức, lòng tin của người tiêu dùng về văn minh thương mại, về chất lượng, giá cả, thương hiệu... của sản phẩm Việt...
Được biết, những thành công của hội chợ cũng chính là kết quả của một quá trình giao thương, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh/thành phố trong suốt những năm qua. Như chia sẻ của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Với tinh thần “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là các hoạt động hợp tác xúc tiến, kết nối giao thương với 13 tỉnh Tây Nam Bộ; Bắc Giang, Hải Dương; Sơn La, Bình Thuận, Lâm Đồng... Đến thời điểm này, thành phố Hà Nội cũng đã tổ chức các chương trình liên kết vùng, giao thương kết nối cung cầu với trên 50 tỉnh, thành phố trên cả nước. Riêng trong năm 2016 này, đã có trên 350 hợp đồng, biên bản thỏa thuận, ghi nhớ hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương vào các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố, góp phần nâng cao giá trị hàng Việt trong thời kỳ hội nhập, thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.
Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, thông qua Hội chợ lần này, cùng với những hội thảo, hội nghị hỗ trợ, ưu thế đặc biệt của Thủ đô cũng như sự phát triển nhanh chóng của Hà Nội đã được giới thiệu, giúp các địa phương nhận thấy được khả năng, cơ hội liên kết, hợp tác rất lớn với Hà Nội trong nhiều lĩnh vực; đặc biệt là việc cung ứng, tiêu thụ sản phẩm địa phương. Và ở chiều ngược lại, những thế mạnh của các tỉnh, thành phố cũng mở ra cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư, đồng thời bổ sung cho Hà Nội những sản phẩm cần thiết nhằm đáp ứng tốt hơn sự phát triển của Thủ đô.