Ngày 30/11, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến tại Hà Nội với chủ đề Diễn đàn tiếp thị trực tuyến “ VietNam online Marketing Forum- VOBF”.
Thực hiện Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2023, nhằm kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại, ngày 30/11, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến tại Hà Nội với chủ đề Diễn đàn tiếp thị trực tuyến “VietNam online Marketing Forum- VOBF”.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam nhấn mạnh: Diễn đàn VOBF 2023 nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu được tiếp cận các xu hướng kinh doanh trực tuyến nói chung và lĩnh vực xuất khẩu trực tuyến, được tham gia tương tác kết nối với những doanh nghiệp hàng đầu trong việc cung cấp các giải pháp kinh doanh online, xúc tiến thương mại và xuất khẩu trực tuyến.
Diễn đàn VOBF 2023 cũng giúp các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trao đổi về tiềm năng thị trường, những xu hướng giải pháp và công nghệ nổi bật, những chính sách và quy định pháp luật mới ban hành hoặc sắp sửa đổi, những thuận lợi và khó khăn trong việc phối hợp, liên kết kinh doanh giữa các doanh nghiệp. Qua đó, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại và định hướng xuất khẩu trực tuyến.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, bên cạnh những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới cùng với nhiều yếu tố bất lợi trong nước đã tác động tiêu cực tới sự phát triển của kinh tế và thương mại Việt Nam, đặc biệt là những tháng cuối năm 2022 và kéo dài sang năm 2023. Tuy nhiên, VECOM ước tính thương mại điện tử Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 20 tỷ USD.
Dấu ấn quan trọng nhất của thương mại điện tử có thể kể đến là số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Người tiêu dùng mua nhiều hơn, giá trị mua hàng càng ngày càng cao lên; đông đảo người mua đã trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo kỹ năng mua sắm trực tuyến hơn.
Các doanh nghiệp thương mại điện tử đã tích cực chuyển đổi số, chuyển đổi số để thích nghi với đại dịch cũng như chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới”. Tuy nhiên, song song với tốc độ phát triển nhanh như hiện nay, cần định hướng để thương mại điện tử có thể phát triển một cách bền vững hơn. Từ đó, giúp thúc đẩy lĩnh vực này tăng trưởng vững chắc, dài hạn trong thời gian tới.
Chia sẻ nghiên cứu về hành vi tiêu dùng tại diễn đàn, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc nghiên cứu hành vi khách hàng, đại diện khu vực phía Bắc tại NielsenIQ Việt Nam cho biết, trên thế giới cũng như tại Việt Nam, mua sắm online có rất nhiều triển vọng. Năm 2023, thế giới có thể đạt doanh thu 100 tỷ USD từ thương mại điện tử.
Trong khi đó tại Việt Nam, con số được dự báo là 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với năm ngoái và so với thời điểm năm 2018 đạt 8,06 tỷ USD, doanh thu thương mại điện tử hiện đã tăng gấp khoảng 2,5 lần.
Nghiên cứu của NielsenIQ cho thấy, 60,7% người dùng Internet tại Việt Nam mua sản phẩm trực tuyến hàng tuần. Các nhóm hàng được quan tâm nhiều là: chăm sóc cá nhân, hàng tiêu dùng nhanh, hàng thời trang, chăm sóc nhà cửa, công nghệ…
“Hiện tại mọi thứ đều có thể mua online, từ hàng tiêu dùng nhanh đến ô tô, xe máy. Một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt túi tiền khi 55% người được hỏi đều lo âu, căng thẳng, dè dặt trong chi tiêu nhưng mua sắm online vẫn tăng. Thậm chí, nhiều người trên 70 tuổi cũng mua sắm online”, bà Đặng Thúy Hà nói.
Theo đại diện NielsenIQ, người tiêu dùng có xu hướng lo lắng về chất lượng sản phẩm, phương thức vận chuyển và hình thức thanh toán khi mua sắm trực tuyến. Đây là những vấn đề doanh nghiệp phải quan tâm để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.
Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2023 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phát hành, 2 dấu ấn quan trọng nhất của thương mại điện tử hiện nay có thể kể đến là: Số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng lên cả về số lượng và chất lượng, thể hiện ở việc người tiêu dùng mua nhiều hơn, giá trị mua hàng càng ngày càng cao lên. Đông đảo người mua đã trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo kỹ năng mua sắm trực tuyến hơn.
Hai là thương nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp thương mại điện tử đã tích cực chuyển đổi số: Chuyển đổi số để thích nghi với đại dịch cũng như chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới”.
Tuy nhiên, theo VECOM, song song với tốc độ phát triển nhanh như hiện nay, cần định hướng để thương mại điện tử có thể phát triển một cách bền vững hơn, từ đó mới giúp thúc đẩy lĩnh vực này tăng trường vững chắc, dài hạn trong thời gian tới. Trong đó ba trụ cột quan trọng cần đẩy mạnh là: nguồn nhân lực cho thương mại điện tử, khoảng cách số và thương mại điện tử xanh.