Vướng cơ chế
Theo rà soát của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), cả nước hiện có 9 dự án BOT đang tạm dừng thu phí, nhưng chưa thống nhất được thời điểm kết thúc hợp đồng bàn giao và xác lập quyền sở hữu toàn dân, nên chưa có nguồn vốn bảo trì, khiến các dự án xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT).
Cụ thể, có 4 dự án nhà đầu tư dừng không thực hiện bảo trì là dự án Quốc lộ (QL)2 đoạn Nội Bài-Vĩnh Yên, QL1 đoạn tránh Hà Tĩnh, QL1K đoạn Km 2+478-Km 12+971 qua Tp Hồ Chí Minh-Bình Dương-Đồng Nai, QL1 đoạn tránh Cai Lậy. Hai dự án nhà đầu tư bảo trì cầm chừng không đạt chất lượng là dự án QL1 đoạn tránh TP Thanh Hóa, QL91 đoạn Km14 - Km 50+889. Ba dự án nhà đầu tư vẫn tiếp tục bảo trì là dự án xây dựng cầu Đồng Nai, QL20 đoạn qua các thị trấn, QL1 đoạn Hòa Cầm-Hòa Phước và Tứ Câu-Vĩnh Điện.
Các dự án này hiện nay đều trong tình trạng chung phải tạm dừng thu phí từ cuối năm 2020, cá biệt có dự án dừng thu phí từ 4 năm nay, do không có đơn vị nào quản lý, bảo vệ, nên kết cấu, vật dụng hoen gỉ, xuống cấp, trở thành nơi tập kết rác thải. Thậm chí, hệ thống đèn tín hiệu tại một số giao lộ trên tuyến hoạt động hư hỏng, mất tín hiệu cảnh báo, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Mặc dù các nhà đầu tư BOT dự án đã có văn bản gửi các cơ quan quản lý Nhà nước về việc tạm ngưng và không chịu trách nhiệm về công tác duy tu, bảo trì mặt đường, nhưng do chưa tìm được nguồn vốn bố trí sửa chữa, với kinh phí hàng chục tỷ đồng, nên bị "bỏ ngỏ".
Đơn cử, đại diện Công ty TNHH Đầu tư QL1 Tiền Giang (BOT Cai Lậy) cho biết, dự án đã tạm dừng thu phí 4 năm nay, gây nhiều khó khăn cho nhà đầu tư. Doanh nghiệp đã sử dụng hết vốn dự phòng để bảo dưỡng, sửa chữa và đầu tư xây dựng dự án, nhưng 4 năm qua không có tiền trả lãi vốn vay ngân hàng để duy tu bảo dưỡng. Dự án đã phải dừng thu phí, dẫn đến tình trạng nhiều vị trí dự án hư hỏng nặng, gây mất ATGT. mặc dù đây là tài sản quốc gia, không phải tài sản của nhà đầu tư...
Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, các dự án trên chưa thanh lý được hợp đồng, bàn giao công trình do cơ quan quản lý và nhà đầu tư chưa thống nhất được các chi phí để xác định thời gian hoàn vốn như: Lợi nhuận nhà đầu tư trong giai đoạn xây dựng, một số chi phí, lãi vay, nên chưa xác định thời điểm dừng thu phí. Để tránh việc thu phí vượt quá thời gian, tổng cục chủ động tạm dừng thu phí các dự án trên. Sau khi dừng hoặc tạm dừng thu phí để thực hiện thanh lý hợp đồng, một số nhà đầu tư dự án đã dừng bảo trì. Tổng cục đã đàm phán, thương thảo nhiều lần với các nhà đầu tư, nhưng với lý do không được thu phí, không có quy định pháp lý xử lý, dẫn đến tình trạng này.
Qua tìm hiểu, Nghị định 33/2018/CP hướng dẫn quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nêu rõ, nếu tài sản chưa chuyển đổi thành sở hữu toàn dân, thì không được sử dụng ngân sách Nhà nước để bảo trì. Bên cạnh đó, khi triển khai thủ tục chấm dứt hợp đồng BOT phát sinh vướng mắc trong quá trình tính toán thanh lý hợp đồng, dẫn đến thời điểm kết thúc thu phí không trùng với thời điểm chuyển giao công trình dự án cho cơ quan Nhà nước, thanh lý chấm dứt hợp đồng.
Bên cạnh đó, các dự án trên đang gặp vướng mắc phát sinh trong 2 giai đoạn thanh lý hợp đồng BOT và bàn giao dự án. Giai đoạn 1 do chưa hoàn thành thanh lý hợp đồng dẫn đến cơ quan Nhà nước chưa tiếp nhận được công trình, trong khi doanh nghiệp dự án đã dừng thu phí, nên không có kinh phí bảo trì. Giai đoạn 2 từ thời điểm cơ quan Nhà nước đã tiếp nhận công trình đến khi hoàn thành thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản thường kéo dài và chưa đủ cơ sở pháp lý để bố trí kinh phí bảo trì cho công trình.
"Vì vậy, đối với những dự án BOT đã tạm dừng thu phí mà nhà đầu tư không bảo trì dự án hoặc bảo trì không đạt yêu cầu, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ chịu trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản công trình thuộc dự án từ khi dừng thu phí đến lúc hoàn tất thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản", ông Nguyễn Xuân Cường cho hay.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp nhận bảo trì
Trước thực tế trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa kiến nghị Bộ GTVT tiếp nhận bảo quản tài sản công, quản lý và bảo trì các tuyến quốc lộ đầu tư theo hình thức BOT khi tạm dừng thu hoặc chờ thanh lý hợp đồng.
Để đảm bảo an toàn vận hành khai thác, duy trì chất lượng bảo trì trong giai đoạn chuyển giao công trình của dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT, đặc biệt trong thời gian tạm dừng thu phí để thực hiện công tác quyết toán, bàn giao tài sản, Tổng cục đã yêu cầu các Cục quản lý đường bộ, nhà đầu tư tăng cường kiểm tra, thực hiện công tác quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ để bảo đảm giao thông an toàn và thông suốt; tránh trường hợp chậm trễ khắc phục các tồn tại (vá ổ gà, vệ sinh mặt đường, chiếu sáng cảnh báo trong phạm vi trạm thu phí...) gây mất ATGT.
Trên cơ sở báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục căn cứ vào quy định pháp luật về trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản chuyển giao cho Nhà nước theo hợp đồng dự án đối; triển khai các giải pháp tạm thời xử lý tình huống một số vướng mắc trong quản lý, bảo trì đối với những tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT trong thời gian tạm dừng thu phí, đảm bảo đúng theo quy định pháp luật, chú trọng công tác đảm bảo ATGT.
Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát các nội dung cần thiết, các văn bản pháp lý có liên quan (nếu có) nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý, bảo trì đối với những tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT trong thời gian dừng hoặc tạm dừng thu phí chờ hoàn tất thủ tục chấm dứt hợp đồng và xác lập quyền sở hữu toàn dân để Bộ GTVT tổng hợp báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các Cục Quản lý đường bộ, Sở GTVT, nhà đầu tư BOT và Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tăng cường quản lý, bảo trì các tuyến đường bộ, đường cao tốc. Tổng cục sẽ tiếp tục quyết định dừng thu phí đối với các dự án BOT đang thu phí, nếu để hư hỏng, mất ATGT mà không sửa chữa. Ngoài ra, đối với các dự án BOT đang tạm dừng thu phí nhưng chưa hoàn thành việc xác lập quyền sở hữu toàn dân, chưa chuyển giao công trình BOT cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư án vẫn có trách nhiệm bảo trì cho đến khi kết thúc hợp đồng, trước chuyển giao công trình cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận.