Lạm phát đã giảm tốc, lãi suất vay vốn đang hạ “nhiệt”. Tuy nhiên, cho dù các tín hiệu kinh tế vĩ mô đang dần tích cực, nhưng trên thực tế, những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phải đối mặt vẫn rất lớn. Trong bối cảnh này, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị cần có những giải pháp gỡ khó cho DNNVV để phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.
Tiết giảm chi phí, nâng cao quản trị
Khi điều kiện kinh doanh có nhiều khó khăn thì hơn lúc nào hết, DNNVV càng cần chú trọng đến việc tiết giảm chi phí, nâng cao quản trị để trụ vững và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cơ hội cơ cấu lại hoạt động
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cao cấp Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cho rằng, ngoài các tác động tiêu cực thì khủng hoảng cũng có mặt tích cực để DN cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh cho hiệu quả hơn. “Các DN phải tìm cách tạo ra giá trị lớn hơn thông qua việc nâng cao năng lực quản lý, lãnh đạo DN và cơ cấu lại chiến lược phát triển nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững hơn trong tương lai”, ông Cấn Văn Lực khuyến cáo.
Công ty TNHH Hải Yến tại Khu công nghiệp Bắc Duyên Hải (Lào Cai) được tiếp cận vốn vay ưu đãi từ SHB để ổn định và phát triển sản xuất. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Đồng góc nhìn khủng hoảng là cơ hội, ông Lê Đức Hải, Chủ tịch ANT Group (tập đoàn kinh doanh về bất động sản sinh thái) cho biết, khi các điều kiện kinh doanh trở nên khó khăn, tập đoàn đã chủ động cơ cấu lại toàn bộ quy trình hoạt động theo hướng tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động. Cụ thể, nếu như trước đây, để triển khai một dự án khu du lịch sinh thái, quy trình đầu tiên là cấp chuyên viên đi khảo sát thực địa rồi về báo cáo lại cấp trưởng phòng; trưởng phòng cho ý kiến rồi nhân viên lại tiếp tục khảo sát rồi lại quay về báo cáo…
Sản xuất đĩa sơn mài xuất khẩu từ cây nứa tại doanh nghiệp Thành Hóa (xã Yên Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình). Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Riêng quy trình này đã mất khoảng 3 tháng với rất nhiều chi phí mà mới chỉ hình thành được các cơ sở ban đầu của dự án để báo cáo lãnh đạo tập đoàn. Thì nay, quy trình này đã được ANT Group cải cách. Theo đó, khi đã xác định địa chỉ đầu tư dự án, lãnh đạo tập đoàn cùng lực lượng cán bộ là kiến trúc sư, các chuyên viên cùng xuống thực địa, thăm dò, khảo sát và lên kế hoạch tại chỗ cho đến khi hoàn thành toàn bộ hồ sơ dự án. “Với việc cơ cấu quy trình này, chi phí hoạt động của tập đoàn giảm được 30%, đồng thời năng suất lao động và hiệu quả công việc tăng lên 50%”, ông Hải nói.
Ông Trịnh Quang Dũng, Chủ tịch Tập đoàn HUTASCO, DN kinh doanh cơ sở hạ tầng đóng trụ sở tại Hà Nội cho biết, để trụ vững trong khó khăn, một mặt DN rà soát cắt giảm các dịch vụ, chi phí không làm ra lợi nhuận để tập trung vốn vào các dịch vụ tạo ra doanh thu, lợi nhuận, mặt khác, tập trung cơ cấu lại nhân sự, xây dựng văn hóa DN theo hướng gọn nhẹ, chuyên nghiệp hơn để chuẩn bị cho thời kỳ hậu suy thoái.
Chung sức giúp DN vượt khó
TS Cấn Văn Lực cho rằng, quý I/2012, kinh tế vĩ mô đã có một số tín hiệu tích cực, tuy nhiên những tín hiệu này vẫn còn đang yếu, do đó trong ngắn hạn môi trường kinh doanh vẫn còn khó khăn.
Theo đó, TS Lực cho rằng, DNNVV cần áp dụng một số giải pháp đối phó với khó khăn rất hiệu quả mà các DN các nước đã áp dụng: Thứ nhất là cắt giảm chi phí. Giải pháp này nhấn mạnh DN phải tiếp tục rà soát để cắt giảm các chi phí không làm ra lợi nhuận hiện tại để tập trung vào khu vực tạo ra doanh thu, duy trì sự tồn tại của DN. Thứ hai, DN phải chú trọng phát triển thị trường, khi những thị trường truyền thống gặp khó khăn thì phải chú trọng tìm kiếm thị trường mới để mở rộng tiêu thụ sản phẩm. Thứ ba, DN nên chú trọng sử dụng các hình thức tiếp thị ít tốn kém như mạng Internet, qua quan hệ, trực tiếp tại các hội thảo, xúc tiến thương mại. Thứ tư là chú trọng liên kết kinh doanh. DN nên sử dụng, trao đổi sản phẩm của nhau để hoàn thiện sản phẩm của mình mà không cần huy động nhiều vốn bằng tiền mặt. DN cũng có thể chuyển nhượng dự án cho nhau... “Cần tìm kiếm cơ hội trong khủng hoảng. Thay vì nản chí về các điều kiện kinh doanh lúc này, cần phải lạc quan để nhận ra các cơ hội trong khủng hoảng”, ông Lực nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, để DNNVV tạo ra nhiều việc làm và hoạt động hiệu quả hơn, Nhà nước cần chung tay để các DN có sức vượt khó. Thứ nhất, cùng với việc hạ lãi suất vay vốn cần tạo điều kiện cho các DNNVV tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng TMCP, có các giải pháp hỗ trợ các DN giải phóng hàng tồn kho, không để các DN gục ngã trên đống tài sản của mình. Nhà nước cũng nên xem xét tạm dừng việc thu các loại phí mới. DN đang yếu, không nên tạo thêm khó khăn cho DN. Bên cạnh đó, cần mạnh dạn miễn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN trong năm 2012 để kích thích tiêu dùng, đặc biệt là tiêu dùng cho sản xuất, giúp các DN bảo toàn vốn chủ sở hữu.
Xuân Hương