Gỡ khó cho dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Ngày 29/5, tại Lạng Sơn, lãnh đạo hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng đã có cuộc làm việc và đi đến thống nhất, chỉ đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị của hai tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai thi công dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, đoạn qua địa phận tỉnh Lạng Sơn đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi làm việc.

Với mong muốn sớm hoàn thành, đưa dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào khai thác, tại Kỳ họp thứ 18, khoá XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026 (kỳ họp chuyên đề) diễn ra ngày 8/4/2024, HĐND tỉnh Cao Bằng đã thông qua Nghị quyết thống nhất sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh Cao Bằng hỗ trợ thực hiện đầu tư công đối với đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Lạng Sơn.

Đây là số kinh phí để hỗ trợ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án. Nguồn kinh phí này được chuyển theo từng lần, từng năm, dựa trên đề xuất của UBND tỉnh Lạng Sơn.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND huyện Tràng Định và huyện Văn Lãng - chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng dự án (đoạn qua địa bàn tỉnh) cho biết, tổng mức đầu tư của 2 tiểu dự án ở hai huyện khoảng 774 tỷ đồng, tăng trên 2 tỷ đồng so với Quyết định số 1199/QĐ-UBND ngày 15/9/2023 của UBND tỉnh Cao bằng. Hai huyện cũng gặp khó vì mới tổ chức lập quy hoạch tái định cư tổng thể, chưa có quy hoạch riêng cho dự án. Quỹ đất giao thông, vật liệu đất, đá phục vụ thi công dự án chưa đáp ứng yêu cầu.

Cơ quan chức năng hai tỉnh phân tích, chỉ rõ, có những nội dung trong dự án này chưa có tiền lệ, như việc Cao Bằng hỗ trợ kinh phí để Lạng Sơn thực hiện các tiểu dự án giải phóng mặt bằng song việc tiếp nhận, giải ngân nguồn vốn này theo đúng quy định cũng cần tham khảo xin ý kiến của các cơ quan Trung ương và rà soát, áp dụng theo đúng các quy định của pháp luật do đó khá tốn thời gian...

Sau khi trao đổi, thảo luận, lãnh đạo hai tỉnh thống nhất quan điểm, giải quyết tiền đền bù, giải phóng mặt bằng theo số liệu thực tế kiểm đếm và giá đất hiện hành. Kinh phí tăng thêm, sử dụng nguồn dự phòng để giải quyết trên tinh thần đảm bảo cơ chế chính sách. Chính quyền, cơ quan chuyên môn hai tỉnh trao đổi, lựa chọn khung giá bồi thường diện tích đất nằm trong vùng dự án ở khu vực giáp ranh giữa Lạng Sơn và Cao Bằng một cách phù hợp, tránh phát sinh khiếu nại, khiếu kiện; đồng thời, rà soát lại các bãi đổ thải, mỏ vật liệu trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu thi công dự án này.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu yêu cầu, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải tỉnh rà soát, hoàn thiện hồ sơ trình cơ quan Trung ương bổ sung chỉ tiêu đất giao thông còn thiếu, phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, thi công dự án. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng tỉnh đẩy nhanh quá trình thẩm định tiểu dự án giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Tràng Định và Văn Lãng; phối hợp với các sở ngành liên quan hướng dẫn hai địa phương hoàn thiện thủ tục đánh giá tác động môi trường của tiểu dự án...

Để nhanh chóng giải quyết vướng mắc phát sinh liên quan đến dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Văn Thạch đề nghị, các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện Tràng Định, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn hoàn thiện các thủ tục liên quan đến dự án. Đặc biệt là khẩn trương hoàn thiện dự thảo quy chế phối hợp giữa hai tỉnh Cao Bằng - Lạng Sơn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật.

Giai đoạn 1 của dự án này khởi công từ tháng 1/2024, song đoạn đi qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn gặp khó khăn vướng mắc về hồ sơ, thủ tục liên quan đến nguồn vốn, giải phóng mặt bằng. Hiện, mới giải phóng mặt bằng được 3,3/51,8 km. Từ nay đến tháng 12/2024, tỉnh Lạng Sơn cố gắng cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án. Theo kế hoạch, dự án này sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2026, sau đó tiếp tục triển khai giai đoạn 2 dự án.

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121 km, được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, dự án được đầu tư với chiều dài 93,3 km; trong đó, chiều dài qua các huyện Thạch An, Quảng Hòa (tỉnh Cao Bằng) là 41,55 km; chiều dài qua các các huyện Văn Lãng, Tràng Định là 51,8 km. Tổng mức đầu tư dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 là 14.331 tỷ đồng; trong đó, UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất vốn ngân sách khoảng 9.800 tỷ đồng, nhà đầu tư huy động hơn 4.451 tỷ đồng.

Dự án do UBND tỉnh Cao Bằng là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án. Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam - Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) - Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình 5 là nhà đầu tư dự án theo hình thức PPP.

Tin, ảnh: Vũ Văn Đạt (TTXVN)
Yêu cầu dứt điểm giải phóng mặt bằng cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ
Yêu cầu dứt điểm giải phóng mặt bằng cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị vừa ra văn bản yêu cầu các địa phương, sở ngành hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc đường bộ đoạn Vạn Ninh – Cam Lộ (dự án) đoạn qua địa bàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN